Mang thai ngoài tử cung là trường hợp thai không nằm trong buồng tử cung mà nằm ở các vị trí bên ngoài tử cung như ở vòi trứng, cổ tử cung, buồng trứng, ổ bụng, nhưng hay gặp nhất là thai nằm ở vòi trứng.
Trong quá trình diễn ra sự thụ tinh có hàng triệu tinh trùng được phóng vào âm đạo nhưng chỉ có một tinh trùng khỏe mạnh nhất mới có thể gặp trứng để tạo nên hợp tử. Hợp tử tự nhân đôi và di chuyển qua ống dẫn trứng về làm tổ trong buồng tử cung.
Vì một lý do nào đó, quá trình di chuyển của hợp tử bị trục trặc, ách tắc giữa đường đi nên đành phải phát triển tại nơi ách tắc (thường là vòi trứng). Đây không phải là nơi an toàn để phôi thai phát triển và khi phôi thai càng lớn khiến vòi trứng phải căng ra, đến khi bị vỡ, máu chảy vào ổ bụng sẽ vô cùng nguy hiểm đến tính mạng của thai phụ. Theo thống kê 1.000 phụ nữ mang thai có khoảng 4-5 người mang thai ngoài tử cung.
Cũng theo TS Quyết, nguyên nhân hàng đầu khiến thai phụ mang thai ngoài tử cung là viêm nhiễm vòi trứng, viêm vùng chậu do mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, chlamydia hoặc do nạo phá thai.
Ngoài ra, có thể còn do tắc, hẹp vòi trứng bẩm sinh, mắc các bệnh u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, hậu quả của việc từng phẫu thuật vòi trứng... Phụ nữ nghiện thuốc lá, sống lâu dài trong môi trường có khói thuốc lá, cũng có nguy cơ cao bị chửa ngoài tử cung. Lí do, chất độc nicotin trong khói thuốc phá hủy các nhung mao trên thành ống dẫn trứng, giảm cử động vòi trứng khiến quá trình hợp tử di chuyển về tử cung khó khăn.
Dấu hiệu nhận biết và đề phòng
Thai ngoài tử cung rất nguy hiểm có thể gây biến chứng đến sức khỏe sinh sản về sau, thậm chí là tử vong. Do vậy, chị em cần nhận biết dấu hiệu mang thai ngoài tử cung sớm để xử lý kịp thời.
Thông thường sau 5-10 ngày quan hệ tình dục, quá trình thụ thai diễn ra, thai đã làm tổ trong buồng tử cung. Vì vậy, nếu có dấu hiệu mang thai nhưng siêu âm thai vẫn chưa thấy hình ảnh túi thai, cần xem xét đến việc mang thai ngoài tử cung.
Thai ngoài tử cung thường có dấu hiệu ra máu âm đạo bất thường. Đây là dấu hiệu cảnh báo đầu tiên của mang thai ngoài tử cung. Việc ra máu chút ít ở “vùng kín” đôi khi chị em không để ý hoặc nhầm tưởng là dấu hiệu có thai chứ không nghĩ là cảnh báo sảy thai hay mang thai ngoài tử cung. Tuy nhiên, khi ống dẫn trứng bị vỡ, bạn sẽ bị xuất huyết âm đạo ồ ạt.
Nếu bạn có thai kì bình thường, lượng HCG sẽ tăng dần theo tuổi thai nhưng nếu qua dụng cụ thử thai lại thấy mức độ HCG tăng chậm hoặc đứng yên thì là dấu hiệu cảnh báo chửa ngoài tử cung. Đây lý do vì sao một số chị em cảm nhận bản thân có dấu hiệu mang thai nhưng thử thai lại không thấy 2 vạch.
“Chị em đau bụng dữ dội một bên kèm theo chảy máu âm đạo, cũng cần nghĩ tới dấu hiệu mang thai ngoài tử cung”, TS Vũ Bá Quyết cho biết thêm.
Để hạn chế chửa ngoài tử cung, chị em nên thường xuyên vệ sinh “vùng kín”, đặc biệt trong kì kinh nguyệt, sau quan hệ tình dục, khi đang điều trị viêm nhiễm phụ khoa, sau sinh nở, tránh viêm nhiễm phụ khoa. Khi có dấu hiệu bị bệnh, cần sớm thăm khám để xử trí kịp thời.
Trường hợp phụ nữ từng có thai ngoài tử cung, cần thông báo cho bác sĩ trước khi có ý định mang thai vì có nguy cơ bị tái lại cao hơn người bình thường. Những trường hợp này cần được tư vấn, theo dõi chặt chẽ khi mang thai kì.
Theo các chuyên gia y tế, không phải tất cả trường hợp mang thai ngoài tử cung đều phải phẫu thuật. Nếu được phát hiện sớm, khối thai vỡ, kích thước nhỏ, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm thuốc giúp khối thai tự tiêu. Còn nếu thai có kích thước lớn (thường là trên 3cm) sẽ được phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở.
Nếu chần chừ, thai ngày càng phát triển khiến người mẹ khó thở, mệt mỏi, đau bụng dữ dội do khối thai vỡ, máu chảy vào ổ bụng. Vì thế, khi chửa ngoài tử cung, cần nhanh chóng đến bệnh viện để được khám và điều trị. Sau điều trị thai ngoài tử cung, phụ nữ nên áp dụng biện pháp tránh thai từ 6-12 tháng để các chức năng sinh sản hồi phục trở lại.