Bàn thờ thần Tài ngày Tết là một loại bàn thờ khá được coi trọng không chỉ trong các gia đình mà còn ở các doanh nghiệp. Thực ra bàn thờ thần Tài luôn đi kèm với ông Địa, nhưng thường người ta chỉ nhắc đến chung là bàn thờ thần Tài mà thôi. Khi mà Tết đến, xuân về, nhà nhà đều đi hái lộc, cắm hoa mong cho gia đình, doanh nghiệp có một năm tốt lành, thì việc cúng bái, sắp xếp bàn thờ thần Tài ngày Tết là một việc quan trọng. Nhưng không phải ai cũng biết cách cúng, sắp xếp bàn thờ thần Tài ngày Tết một cách đúng nhất. Dưới đây là một vài lưu ý trong việc cúng và sắp xếp bàn thờ thần Tài ngày Tết.
Hướng dẫn cách thờ thần Tài ngày Tết
Đầu tiên, bàn thờ thần Tài là một bàn thờ nhỏ được đặt dưới đất. Bàn thờ này thờ cặp thần linh là thần Tài và ông Địa. Hướng bàn thờ rất quan trọng, bàn thờ phải được đặt hướng thẳng ra phía cửa nhà (đón tài lộc, trấn giữ nhà), phải có tựa (tạo sự vững chắc cho gia chủ). Việc cúng bái cho bàn thờ thần Tài không chỉ vào ngày Tết mà phải cúng quanh năm. Bàn thờ thần Tài ngày Tết càng phải được quan tâm hơn. Dân kinh doanh, làm ăn lại càng phải chú trọng. Thần linh sẽ phù hộ cho gia chủ làm ăn thuận lợi, tài lộc hanh thông,… Nếu không chăm sóc kĩ bàn thờ thần Tài ngày Tết, năm mới, thần linh sẽ bỏ đi mà không tiếp tục phù hộ cho gia chủ nữa.
Thông thường, vào lúc sáng sớm, khi mở cửa (kể cả không bán hàng), gia chủ nên thắp một nén nhang cầu khẩn thần Tài phù hộ, mua may bán đắt. Có thể mua hoa quả để một vài ngày, kèm thêm vàng mã càng tốt.
Có thể nhiều người không biết, thần Tài và thổ công không phải chỉ là 1 vị. Thần Tài có tất cả 5 vị: Hắc Thần Tài, Thanh Thần Tài, Bạch Thần Tài, Xích Thần Tài và Hoàng Thần Tài là vị chủ chốt. Ông Địa cũng bao gồm 5 vị: Đông phương Thanh Đế, Tây phương Bạch Đế, Nam phương Xích Đế, Bắc phương Hắc Đế và Trung ương Huỳnh Đế. Về hình thức bên ngoài, ông Địa thường là vị bụng phệ, người trắng nõn, để ngực trần, đầu quấn khan, tay cầm quạt và có con cọp đi theo. Có rất nhiều người nhẫm lẫn giữa ông Địa và Phật Di Lặc. Phật Di Lặc mang bao bố, tươi cười, có đồng tử đi theo. Còn về thần Tài thì rất dễ nhận ra. Tượng thần Tài là vị tay cầm cục vàng (kim ngân lượng), đội mũ mão, trang phục quan lộc rất chỉn chu và đứng đắn.
Về mặt thức ăn cúng bàn thờ thần Tài ngày Tết rất quan trọng. Thần Tài thì cần cúng hoa quả, trái lại ông Địa lại cúng chuối xiêm, thuốc lá. Nhưng thông thường các loại hoa quả này sẽ được sắp xếp chồng lên nhau cho phù hợp không gian. Có một sự khác biệt giữa người Trung Hoa và người Việt trong quan niệm thờ bàn thờ thần Tài ngày Tết. Người Trung Hoa rất coi trọng vị trí của thần Tài. Tượng các thần Tài ngày Tết sẽ được trang hoàng, sắm sửa rất tươm tất. Trái lại người Việt lại chú trọng ông Địa hơn. Nhưng có một điểm chung là năm mới, tất cả mọi thứ sẽ phải thật sạch sẽ và tươm tất.
Một lưu ý nhỏ về bàn thờ thần Tài ngày Tết là bùa và bài vị. Trên vách bàn thờ thần Tài ngày Tết (và cả ngày thường), đều phải có 1 tấm bùa được viết bằng mực nhũ kim. Tiếng Hán dịch ra tiếng Việt là: “Ngũ phương ngũ thổ Long thần. Tiền hậu địa chúa tài thần”. Cách sắp tượng bàn thờ thần Tài ngày Tết càng quan trọng. Từ hướng bàn thờ nhìn ra, thần Tài luôn ở phía tay phải, ông Địa luôn ở phía tay trái (nhầm lẫn là nguy). Ở giữa 2 tượng thần là hũ gạo, hũ muối, hũ nước. 3 hũ này chỉ đến cuối năm, hoặc dịp quan trọng mới được thay (thay là coi như thay vận luôn đấy). Ở giữa bàn thờ là một bát hương. Việc bốc bát hương cần theo đúng thủ tục và lễ nghi truyền thống. Để tránh động bát hương (rất kị), mà bàn thờ thần Tài lại nằm dưới đất, nên thông thường gia chủ gắn keo chặt vào bát hương bàn thờ (Cái này không sao cả). Cách sắp xếp bình hoa cũng rất quan trọng. Nên sắp theo quy tắc “Đông Bình – Tây Quả”. Bên trái lọ hoa, bên phải hoa quả. Các chén nước nên được sắp theo hình chữ thập (vừa đủ 5 chén nước). Nên nhớ phải là 5 chén nước chứ không phải là 3 nhé, vì có tới tận 5 vị thần Tài và 5 ông Địa.
Một số lưu ý khác cho việc cúng bái, sắp xếp bàn thờ thần Tài ngày Tết như sau:
- Bàn thờ tuy đặt ở dưới đất, nhưng phải giữ bàn thờ thần Tài thật sạch sẽ, tránh để bẩn các tượng và đồ thờ. Có thể tắm rửa tượng thường xuyên cho phù hợp.
- Cúng thần Tài, ông Địa thì nên cúng đồ ngọt: thịt, bánh, chuối, bưởi,….Nên cho thêm vàng mã
- Lúc mới lập bàn thờ, cần đốt nhang liên tục trong 100 ngày để bàn thờ tụ khí. Đừng vì sợ tốn điện mà tắt đèn bàn thờ (có đáng bao tiền tiền điện đâu). Đèn là biểu tượng của hải đăng giúp các thần linh nhìn rõ mà hạ phàm đúng nhà gia chủ.
- Ngày thường thì thắp 1 nén hương là đủ. Khi có việc cầu xin thì thắp 3 nén. Riêng bàn thờ thần Tài ngày Tết thì cần thắp 5 nén theo hình chữ thập (không sắp được theo hình chữ thập cũng được, nhưng nhất định phải là 5 nén).
- Ngày 23 tháng Chạp thì mới được rút chân nhang và phải hóa cúng tiền giấy đầy đủ
- Hoa, quả trên bàn thờ thần Tài không được để héo, úa vì đấy là điềm làm ăn khó khăn.