Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với đối tượng Vũ Hoàng Dương (44 tuổi, trú phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) để điều tra về hành vi Giết người.
Qua điều tra ban đầu xác định, Dương là tài xế xe ô tô bán tải BKS: 29C-817.27 kéo lê anh Đỗ Mạnh Đạt (42 tuổi, trú tại ngõ Cống Trắng, phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) hàng trăm mét sau va chạm giao thông tại ngã 6 Ô Chợ Dừa ngày 11/4 khiến nạn nhân nguy kịch.
Chia sẻ với chúng tôi, đại úy Nguyễn Duy Bình - điều tra viên Đội Cảnh sát Hình sự, Công an quận Đống Đa, người theo sát các diễn biến và tham gia trực tiếp vào quá trình điều tra vụ án nhớ như in khoảnh khắc anh và đồng đội đọc quyết định khởi tố và lệnh bắt khẩn cấp Vũ Hoàng Dương.
Theo đại úy Nguyễn Duy Bình, khi các anh đọc lệnh, người nhà Dương đã bật khóc, trong khi lái xe này chỉ nói đúng một câu khiến nhiều người phải suy nghĩ: “Tôi không nghĩ sự việc lại đi quá như thế này…”.
Đó thực sự là một lời nói đầy cay đắng của lái xe không làm chủ được cảm xúc của bản thân, dẫn tới hành động ngông cuồng là điều khiển ô tô đâm va, kéo lê người có va chạm với mình trước đó hàng trăm mét trên đường.
Bài học dành cho Dương chắc chắn cũng là lời cảnh tỉnh cho không ít lái xe thiếu kiềm chế khi tham gia giao thông, những người luôn có sẵn tâm lý “ăn miếng trả miếng”, thậm chí dùng sức mạnh cơ bắp để giải quyết, khi có va chạm, mâu thuẫn bột phát trên đường.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại anh Đạt vẫn đang được tích cực điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn. Theo các bác sỹ, sức khoẻ của bệnh nhân này đang có chuyển biến tích cực. Trước đó, anh Đạt phải theo dõi chấn thương sọ não, gãy xương hàm trên, dưới, phải thở máy.
Chăm sóc con tại viện, bà Diệp Thị Lan (70 tuổi, mẹ anh Đạt) cho biết, suốt những ngày qua bà không dám rời con nửa bước. Anh Đạt mới được mổ xương cằm cách đây khoảng 4 ngày và vẫn đang phải thở máy. Hiện anh đã có thể cử động được chân, tay và mắt nhìn mọi người xung quanh nhưng chưa thể nhận ra ai.
Kể về hoàn cảnh gia đình, bà Lan chia sẻ, trước khi con trai gặp nạn, bà bán trà đá ở đầu ngõ gần nhà từ 17h đến khoảng 22h, mỗi ngày thu nhập khoảng hơn 100 nghìn đồng. Từ khi anh Đạt nhập viện, bà phải gác công việc lại để đến viện chăm con.
Mỗi ngày nằm viện của anh Đạt tiêu tốn hết gần 7 triệu đồng, trong đó có 5 triệu tiền nằm phòng bệnh, 700 nghìn tiền sữa truyền thẳng vào cơ thể và gần 1 triệu tiền thuốc.
Đến thời điểm hiện tại, bà cũng đã nộp 60 triệu tiền viện phí cho con. Bên phía gia đình tài xế Vũ Hoàng Dương - người điều khiển xe bán tải đã hỗ trợ gia đình 15 triệu đồng.
“Tất cả mọi chỗ có thể vay mượn được tôi đều đã nhờ các cháu vay hết rồi, những ngày tiếp theo tôi không biết phải xoay tiền ở đâu để có tiền đóng viện phí cho con…”, bà Lan buồn bã nói.
Hơn 10 ngày con nằm viện là những ngày bà Lan thực sự lo lắng, chưa một đêm ngủ yên giấc. Bà sợ sau này nếu anh Đạt có khỏe lại và ra viện được, sức khoẻ cũng không còn được như xưa nữa. Bà cũng lo con trai có thể sẽ bị liệt chân, tay hoặc đầu óc có vấn đề. Lúc đấy sẽ không có ai chăm sóc bởi bà tuổi đã cao, sức yếu không thể ở bên cạnh con mãi.
Bà Lan cũng mong muốn, gia đình tài xế Dương cùng chung tay với gia đình bà để lo tiền viện phí cho anh Đạt. Sau khi con trai ổn định sức khoẻ, gia đình bà Lan cũng có lời với các cơ quan pháp luật để có thể giảm nhẹ tội cho tài xế Dương.
Vụ án được sáng tỏ nhờ sự hỗ trợ của nhân chứng
Đại úy Nguyễn Giang Long - Đội phó Đội Cảnh sát Hình sự, Công an quận Đống Đa cho biết, ngay khi sự việc xảy ra, một lực lượng đông đảo điều tra viên hình sự đã được huy động để nhập cuộc. Một loạt biện pháp nghiệp vụ được triển khai, để thu thập chứng cứ, ghi nhận thông tin và liên hệ các nhân chứng liên quan…
Điều khiến đại úy Nguyễn Giang Long nhớ mãi trong những ngày điều tra vụ việc này là khi mời nhân chứng quay video clip lên cung cấp thông tin.
“Nữ nhân chứng ấy cho biết, sau khi cô chia sẻ video quay cảnh truy đuổi lái xe bán tải, rất nhiều người vào hỏi thông tin, có những người xưng là phóng viên các báo… Điều ấy khiến nhân chứng rất bối rối, e ngại “phức tạp” liên quan tới bản thân nên việc đề nghị cô ấy hợp tác với cơ quan công an lúc đầu gặp khá nhiều khó khăn”, điều tra viên chia sẻ.
Sau một thời gian thuyết phục, nhân chứng mới đồng ý làm việc và cung cấp những dữ liệu cần thiết cho các điều tra viên.
“Có biết về công việc mà chúng tôi đang làm, mọi người mới thấy vai trò của các nhân chứng là rất quan trọng. Chúng tôi mong muốn khi có sự việc xảy ra, người dân sẵn sàng hỗ trợ làm rõ, bằng việc cung cấp các chứng cứ cụ thể. Điều đó giúp chúng tôi rất nhiều”, đại úy Nguyễn Giang Long kể về quá trình tìm kiếm nhân chứng và ghi nhận lời khai.