Làm mẹ đơn thân chưa bao giờ là một điều dễ dàng. Dẫu người phụ nữ có mạnh mẽ, có thể cho con một cuộc sống đủ đầy, sung túc bao nhiêu thì cũng không thể nào bù đắp cho con tình thương của một người cha. Ngày dắt con ra đi, tôi đã tự nhủ mình sẽ cố gắng hết sức để cho con một cuộc sống đủ đầy, vừa làm cha vừa làm mẹ của con. Thế nhưng, lòng tôi vẫn quặn thắt khi nghe con mình hỏi: “Ba đâu”. Những ngày Tết như thế này, nhìn gia đình người ta sum vầy, tụ họp tôi lại càng thương con vô hạn.
Cũng như bao nhiêu người đàn bà lấy chồng khác, tôi cũng chỉ mong một cuộc sống giản, vợ chồng con cái yêu thương và quan tâm nhau. Thế nhưng, điều ước đơn giản như vậy nhưng cũng là điều xa xỉ với tôi. Vợ chồng sống với nhau chỉ vài tuần, tôi đã nhận ra chồng mình là người cộc cằn thô lỗ, tính anh gia trưởng lại hay ghen tuông vô cớ. Trong mắt chồng, mọi mối quan hệ của tôi đều không ổn. Anh kiểm soát điện thoại, máy tính, luôn kiểm tra xem tôi có nhắn tin qua lại với ai không. Thậm chí tôi đứng nói chuyện với hàng xóm anh cũng ghen tuông.
Bị chồng kiểm soát, cuộc sống tôi ngột ngạt vô cùng. Vì ghen tuông nên anh hay to tiếng, chửi bới và thậm chí đánh tôi khi nghĩ rằng tôi không thật lòng. Khi tôi mang thai, sự ghen tuông của anh càng dâng lên đỉnh điểm. Lẽ ra anh phải vui mừng mới đúng, đằng này anh nghi ngờ không biết cái thai có phải là con của anh không. Một lần say xỉn, anh về chỉ tay vào mặt tôi mà nói rằng: “Đứa con trong bụng của cô có phải con tôi không?”. Tôi không ngờ chồng mình lại nghĩ đến những điều tồi tệ và khủng khiếp như vậy.
Khi tôi sinh con ra, chồng tôi lại thêm tật vô tâm. Một mình tôi chăm con đến rộc người mà chồng chẳng hề phụ giúp. Trái lại, anh cứ làm tôi thêm khổ tâm, ngột ngạt bằng thái độ họanh họe, cau có mỗi lần về đến nhà. Cuộc sống tôi càng ngày càng bế tắc và mệt mỏi. Tôi nhận ra mình không thể sống cả đời với một người chồng nhỏ nhen, gia trưởng như vậy. Chồng không hề thương yêu mà xem tôi giống như một vật mình sở hữu để tùy ý đối xử.
Tôi ly hôn khi con tròn 1 tuổi. Tôi nuốt ngược nước mắt vào lòng mà bế con đi. 4 năm qua, mọi thứ cũng dần ổn định. Tôi có công việc, thu nhập tốt nên việc nuôi con cũng không quá khó khăn thiếu thốn. Mỗi ngày nhìn con lớn lên, bi bô nói cười, quàng tay âu yếm, tôi như được xoa dịu những nỗi chua xót, đau đớn. Con càng lớn, càng cảm nhận được sự khác biệt của mình so với bạn bè. Những đứa trẻ khác có ba đưa đón, được dắt đi chơi mỗi ngày, còn con thì không.
Càng đến Tết, tôi lại càng chạnh lòng thương con. Tôi có thể cho con quần áo đẹp, bánh kẹo ê hề, những chuyến đi chơi xa nhưng lại không thể cho con tình thương của một người cha. Mỗi lần con hỏi, tôi đều kể cho con nghe một câu chuyện thật đẹp về cha. Từ lúc ly hôn, anh ta chưa một lần ghé thăm con nhưng tôi không muốn kể xấu về người cha tồi tệ đó cho con nghe. Mai này, tôi tin con lớn lên sẽ hiểu về sự lựa chọn của tôi. Bản thân tôi sẽ bù đắp và yêu thương con bằng tất cả những gì mình có.