Việc bổ sung vitamin đúng cách giúp quá trình mang thai diễn ra thuận lợi hơn
Đối với thai kỳ, vitamin không chỉ giúp duy trì sức khỏe cho mẹ và tăng cường dưỡng chất cho sự phát triển toàn diện của thai nhi. Vì thế, nếu bà bầu duy trì được chế độ dinh dưỡng đa dạng thì cơ thể sẽ được cung cấp một lượng vitamin cần thiết để thai nhi phát triển.
Trường hợp bà bầu có chế độ ăn không cân đối, lượng vitamin hấp thu từ thực phẩm thấp sẽ khiến thai nhi bị thiếu chất, gây ra nhiều ảnh hưởng cho thai kỳ. Do đó, việc tìm hiểu bà bầu bổ sung vitamin gì để lựa chọn và sử dụng là việc làm cần thiết và đúng đắn.
Hiện nay, việc sử dụng các loại viên uống bổ sung vitamin, thực phẩm chức năng, yếu tố vi lượng dành cho bà bầu đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo rằng dù các loại viên uống bổ sung có an toàn, hiệu quả đến đâu cũng không thể thay thế việc nạp vào cơ thể các loại vitamin và khoáng chất cần thiết qua một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý. Các nghiên cứu khoa học cũng đã chỉ ra rằng vitamin và các chất khác trong thức ăn có khả năng cân bằng tốt hơn so với các loại được làm nhân tạo.
Việc bổ sung vitamin khi mang thai cho bà bầu có rất nhiều công dụng như hỗ trợ quá trình mang thai diễn ra thuận lợi hơn; giúp thai nhi phát triển toàn diện về sức khỏe, đặc biệt là não bộ; ngăn ngừa các dị tật bẩm sinh ở thai nhi; tăng cường sức khỏe thai phụ cũng như hạn chế một số bệnh lý hay gặp ở phụ nữ mang thai như sinh non, thai chậm phát triển, viêm nhiễm...
Các vitamin cần thiết, phụ nữ mang thai cần có đủ
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, vitamin cung cấp vào cơ thể giúp quá trình chuyển hóa duy trì ổn định, bảo đảm sức khỏe cho cả mẹ và bé. Việc bổ sung vitamin trong quá trình mang thai nhằm mang lại cho thai nhi sự phát triển toàn diện, phòng tránh được các dị tật bẩm sung.
Đồng thời, bổ sung vitamin cũng là nền tảng khởi tạo nên một cơ thể bé thông minh khi chào đời và lớn lên. Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng cũng đưa ra khuyến cáo để mẹ bầu bổ sung một số vitamin trong giai đoạn này.
Vitamin A
Đây là vitamin đóng vai trò đặc biệt đối với thị giác, tăng cường miễn dịch. Trường hợp thiếu vitamin A sẽ khiến tăng tỷ lệ mắc bệnh nhiễm khuẩn, khô mắt, có thể xảy ra mù lòa nếu không được điều trị.
Đối với người phụ nữ có tình trạng dinh dưỡng tốt, không cần bổ sung vitamin A trong suốt thời gian mang thai nếu đảm bảo đủ nhu cầu vitamin A 600mcg/ngày bằng cách thức ăn tự nhiên. Sữa, gan, trứng... là nguồn vitamin A động vật, dễ dàng được hấp thu và dự trữ trong cơ thể.
Tất cả các loại rau xanh, nhất là rau ngót, rau dền, rau muống và các loại củ quả có màu vàng, màu đỏ như cà rốt, xoài, bí đỏ là những thức ăn nhiều caroten, còn gọi là tiền vitamin A, vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A.
Vitamin D
Vitamin D giúp sự hấp thu khoáng chất như canxi, phospho trở nên dễ dàng hơn. Trường hợp cơ thể thiếu vitamin D dẫn đến lượng canxi hấp thu thấp (khoảng 20%), có thể khiến trẻ bị còi xương trong bụng.
Cũng theo khuyến cáo, trong thời kỳ mang thai mẹ bầu nên bổ sung vitamin D khoảng 10mcg/ngày, sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D như phomát, cá, trứng, sữa, hoặc các thực phẩm có tăng cường vitamin D. Ngoài ra người mẹ có thể phòng còi xương cho con bằng cách uống vitamin D khi thai được 7 tháng: 600.000UI/3 tuần, mỗi tuần 200.000UI
Vitamin B
Mẹ và thai nhi cần bổ sung hai loại vitamin B quan trọng đó là: B1 và B2. Đối với vitamin B1, nên ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm như: ngũ cốc, các loại hạt họ đậu, lúa mì, gạo xát không quá trắng, thịt gia cầm,... Sử dụng vitamin B1 trong thai kỳ sẽ giúp thúc đẩy và cân bằng quá trình chuyển hóa gluxit trong cơ thể của mẹ, tránh được tình trạng bị sưng, phù nề nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, Vitamin B2 thường có nhiều trong thịt động vật, bánh mì, sữa và các loại rau đậu,... Loại vitamin này có chức năng thúc đẩy quá trình phát triển toàn diện của thai nhi liên quan đến: xương, cơ, hình thành da và máu, hệ thần kinh của trẻ.
Vitamin C
Vitamin C có vai trò lớn trong việc làm tăng sức đề kháng của cơ thể, hỗ trợ hấp thu sắt từ bữa ăn, góp phần phòng chống thiếu máu do thiếu sắt. Vitamin C có nhiều trong các quả chín. Rau xanh có nhiều vitamin C nhưng bị hao hụt nhiều trong quá trình nấu nướng. Đối với phụ nữ có thai, nhu cầu vitamin C là 80mg/ngày và đối với bà mẹ cho con bú là 100mg.
Để đáp ứng đầy đủ các vitamin và khoáng chất như trên, ngoài việc lựa chọn thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, phụ nữ mang thai nên uống loại viên multivitamin và khoáng chất dành cho bà mẹ mang thai hàng ngày theo sự hướng dẫn của bác sĩ dinh dưỡng.