Rúng động hàng loạt vụ "xe điên" tông chết người
Thời gian qua, liên tiếp các vụ việc tài xế "ma men" gây ra tai nạn chết người khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ.
Ngày 11/4, xe ô tô Lexus BKS 49X – 6666 đã tông vào đám ma trên đường Nguyễn Công Trứ, TP Quy Nhơn, hậu quả làm 4 người chết và 6 người bị thương.
Ngay sau khi gây tai nạn, tài xế đã đến Công an TP Quy Nhơn trình diện. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn cho thấy cơ thể ông có mức 3,15 miligam/1 lít khí thở, gấp gần 13 lần so với mức cho phép.
Hơn 23h ngày 22/4, nam tài xế lái xe Hyundai trên đường Láng theo hướng Ngã Tư Sở về Cầu Giấy, khi đến cạnh nhà ga đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã đâm vào một nữ lao công, khiến nạn nhân bị tử vong tại chỗ.
Tài xế tiếp tục bỏ chạy và lần lượt đâm vào xe máy, ôtô Mercedes chạy cùng chiều trên đường Láng. Theo nhân chứng, trước khi gây tai nạn trên đường Láng, ôtô Hyundai đã va chạm với hai xe máy khác trên phố Vĩnh Hồ.
Cái chết thương tâm của nữ lao công ở Hà Nội chưa kịp lắng xuống thì rạng sáng 1/5, một tài xế khác có "nồng độ cồn vượt quá các ngưỡng xử phạt" lại đâm chết 2 người phụ nữ.
Tại cơ quan công an, tài xế khai nhận tối đó, anh đi dự họp lớp ở một quán bia trên phố Thợ Nhuộm, sau đó đưa một số người bạn về nhà. Tài xế này đã uống khoảng 6 chai bia và rượu trước khi gây ra tai nạn nghiêm trọng.
Loạt các vụ việc đã dấy lên nỗi phẫn nộ. Nhiều người bức xúc, đề nghị xử lý thật nghiêm hành vi “không khác gì giết người này”.
Uống rượu rồi lái xe cũng không khác gì giết người
Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) về vụ việc tai nạn mới nhất tại hầm Kim Liên cho biết dù gây hậu quả nghiêm trọng, có các tình tiết tăng nặng như sử dụng rượu bia, làm chết 2 người, bỏ chạy sau khi gây tai nạn… nhưng khung hình phạt cao nhất cho tài xế trong vụ này cũng chỉ 10 năm tù theo Khoản 2 Điều 260 BLHS 2015.
Nói về khung hình phạt dành cho "lái xe điên", luật sư Thơm nhận định, hiện nay, hành vi sử dụng rượu bia rồi lái xe gây tai nạn được quy định trong nhóm tội về giao thông, là lỗi vô ý nên khung hình phạt còn nhẹ.
Theo quan điểm của luật sư Thơm, đúng ra lỗi này phải xếp hành vi này vào nhóm tội cố ý.
"Vì pháp luật buộc công dân phải nhận thức được việc đưa vào cơ thể các chất kích thích như rượu bia, ma túy sẽ dẫn tới mất kiểm soát khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Với lỗi cố ý gián tiếp, hậu quả xảy ra đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đó. Nếu gây thương tích từ 11% trở lên thì xử tội cố ý gây thương tích, gây ra chết người thì xử theo tội danh giết người mới đủ sức răn đe cho các tài xế”, luật sư Thơm thẳng thắn nói.
Nếu chưa gây tai nạn, chúng ta có thể xem xét hình phạt tài xế đến mức tước bằng trong một thời gian dài và tăng mức xử phạt hành chính.
Nếu tài xế tái phạm gây tai nạn thì cần phải tước bằng lái, cấm lái xe vĩnh viễn để tránh gây họa cho người khác.
Thiết nghĩ, cơ quan quản lý cần phải có chế tài nghiêm khắc hơn mới ngăn chặn được những vụ tai nạn đau lòng như đã xảy ra chỉ vì "ma men" lái xe ô tô.