Huyền Nga, 54 tuổi, y tá tại một trạm y tế của quận 5, TP.HCM, cho biết bà từng vận động các bà mẹ cho con bú sữa mẹ hết sức khó khăn, nhưng nay mọi chuyện dễ dàng hơn nhiều. Bà nói: “Trước đây bà mẹ nào cũng bỏ bê sữa của mình, chạy theo sữa công thức để cho con cao hơn, thông minh hơn. Nhưng vài năm gần đây, ý thức của nhiều phụ nữ thay đổi không ngờ. Họ gặp nhân viên y tế tìm hiểu cặn kẽ về sữa mẹ, cho con bú đúng cách, vì không muốn trẻ mất cơ hội tiếp cận với nguồn sữa quý báu do chính mình tạo ra”.
Niềm tin trở lại vào sữa mẹ là chuyện đáng khích lệ, nhưng cực đoan về việc sữa mẹ chữa bá bệnh là phản khoa học. Trong ảnh: sữa mẹ trong một ngân hàng ở Mỹ.
Thu, 32 tuổi, là điển hình cho sự thay đổi nhận thức về sữa mẹ. Nếu ở lần sanh đứa con đầu cách đây bảy năm, người nữ trưởng phòng nhân sự này cuồng nhiệt đi hỏi bạn bè xem loại sữa công thức nào giúp con mình phát triển trí não tốt nhất, thì với đứa con thứ hai chị dứt khoát nói không với mọi sữa công thức khác nhau. Chị chia sẻ: “Đứa sau bú mẹ, nhờ thế mà nó không bị dị ứng và ít bệnh lặt vặt như đứa đầu”.
Vài năm gần đây trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều cộng đồng cổ vũ bú sữa mẹ, thu hút nhiều người tham gia hưởng ứng. Nhưng từ chỗ quảng bá sữa mẹ một cách tích cực, có nhóm ủng hộ rất cực đoan, thậm chí đưa ra những giá trị khoa học lệch lạc. Tại một nhóm mở ủng hộ trẻ bú mẹ, mới đây admin đăng một status rất phấn khích về phát hiện của một nhà khoa học Thuỵ Điển, cho thấy trong sữa mẹ hiện diện một phức hợp có tên Hamlet, có khả năng tiêu diệt khối u.
Thông tin trên đáng chú ý, nhưng ít thấy báo chính thống quan tâm, vì phát hiện chưa có cơ sở khoa học chắc chắn. Bản thân nhà khoa học phát hiện điều này cũng xác nhận sắp tới mới tiến hành nghiên cứu quy mô lớn, so sánh hai nhóm người, một nhóm được dùng Hamlet và một nhóm dùng giả dược, để tìm hiểu sự thật.
Nhưng status đăng trên nhóm cổ vũ sữa mẹ lại rất “cuồng si”: “Sữa mẹ cũng thường thôi, trị ung thư chứ không có gì ghê gớm. Có ai từng nghe nói uống sữa bò trị ung thư chưa, hay ngược lại càng tăng nguy cơ ung thư. Sữa nào giống nấy, sữa bò chuẩn cho giống nòi của nó, để nuôi con bê, không phải nuôi con người nhé” (!?).
Nhiều comment ủng hộ status, nhưng cũng có người dè dặt. Một thành viên viết: “Không hiểu sao tin được nhỉ, sữa mẹ trị ung thư được thì thằng cháu tôi không chết vì ung thư não rồi. Tốt thế thì vắt ra cho bà con bị ung thư uống để khỏi bệnh, đi bệnh viện xạ trị làm gì”. Một thành viên khác bình luận sâu sắc hơn: “Đã có hàng ngàn thử nghiệm hợp chất chữa ung thư, hiệu quả khi thử trên tế bào, nhưng thất bại hoàn toàn khi thử trên động vật và lâm sàng. Từ thí nghiệm tế bào đến thành công trong mô hình động vật là một khoảng cách rất xa, còn từ thành công trong mô hình động vật đến thành công trên thử nghiệm lâm sàng ở người, thì khoảng cách còn vời vợi hơn”.
Thi thoảng vào đọc chia sẻ của các mẹ yêu sữa mẹ, người ta cũng tìm thấy những thông tin khá lạ đời. Chẳng hạn một người viết: “Bé nhà em sáu tháng, hôm rồi bị lây đau mắt đỏ của bố, em không nhỏ nước muối hay thuốc gì cả mà nhỏ sữa mẹ cho bé. Hôm đầu mắt bé đỏ hoe, gỉ xanh, sưng mọng. Một lúc sau em lại nhỏ cho bé. Đến tối đỡ lắm và hai ngày sau đỡ hẳn. Thế rồi bố cháu cũng bảo mẹ cháu nhỏ sữa cho mắt bố cháu. Giờ bé nhà em khô mũi là nhỏ sữa vào mũi bé, con gì cắn là nhỏ sữa vào cho bé…” (!?).
Thật ra niềm tin dân gian sữa mẹ chữa được bệnh đau mắt đỏ cho trẻ sơ sinh đã có từ lâu, nhưng khi nói điều này trên một tờ báo của bộ Y tế, BS Lê Việt Sơn, trưởng khoa mắt bệnh viện Bạch Mai, cho biết niềm tin không có cơ sở khoa học.
Ông nói: “Sữa mẹ chứa nhiều dưỡng chất là môi trường “lý tưởng” giúp vi khuẩn sinh sôi, nảy nở, nên nhỏ sữa vào mắt làm tăng nguy cơ vi khuẩn tấn công, khiến bé mắc các bệnh về mắt. Đối với trẻ đang bị các bệnh về mắt, khi nhỏ sữa mẹ dễ khiến cho bệnh trở nặng hơn, dẫn đến các biến chứng như viêm loét giác mạc, nguy hiểm nhất là làm giảm thị lực của bé”.
Nhỏ sữa mẹ chữa bệnh mắt cho trẻ đã phản khoa học, vậy mà trên một cộng đồng cổ vũ sữa mẹ người ta còn thấy thông tin nhỏ sữa mẹ có thể làm mọc ngón tay trở lại (!?). Một thành viên viết: “Cạnh nhà tôi có một đứa bé bị tai nạn mất hơn nửa ngón tay cái. Nghe lời tôi, mẹ bé nhỏ sữa mẹ vào và chỉ sau ba tháng, ngón tay mọc trở lại như trước đây”.
Một bác sĩ nhi khoa (giấu tên) bình luận: “Đây có thể gọi là một dạng thông tin giả (fake news), tạo ra nhiều hệ luỵ cho người tiếp nhận nếu họ không có khả năng phân biệt. Tôi từng tìm hiểu vài cộng đồng cổ vũ bú mẹ. Họ có mặt tích cực là khơi gợi phong trào nuôi con bằng sữa mẹ, nhưng đôi lúc lại quá cực đoan, đưa thông tin không kiểm chứng, phản khoa học, thậm chí có hội còn phản bác chích vắcxin, cho rằng chỉ cần bú mẹ là có thể ngừa được mọi bệnh tật. Sữa mẹ tốt thật, nhưng nó không phải là thuốc trị bá bệnh”.