Trẻ sơ sinh mấy tháng biết cười?
Thông thường, trẻ sơ sinh đa số đều biết cười khi được 4 – 6 tuần tuổi, nhưng có nhiều trẻ lại có khả năng “vui vẻ” sớm hơn rất nhiều, có khi chỉ vài ngày sau khi sinh là trẻ đã có biểu hiện cười dù chưa rõ nét. Bắt đầu là những nụ cười mỉm trong giấc ngủ chưa sâu của bé, lớn hơn một chút, bé thậm chí còn có thể cười khúc khích khi nằm mơ.
Theo Sohu, thông qua nghiên cứu, các chuyên gia tâm lý trẻ em cho biết: Từ nụ cười của trẻ sơ sinh, chúng ta còn có thể hiểu khái quát về tình trạng phát triển trí lực ở trẻ. Những đứa trẻ biết cười sớm và thích cười thường có não bộ vượt trội hơn. Ngược lại, nếu sau 8 – 10 tuần tuổi mà trẻ vẫn chưa biết cười thì bạn cần quan tâm đến trí lực của trẻ để kịp thời cải thiện.
Trẻ sơ sinh cười chính là một trong những biểu hiện của trí lực cao
Bé có những nụ cười tự nhiên một mình
Với những trẻ có trí não phát triển vượt trội thì chỉ sau vài ngày tuổi, trẻ đã tự thể hiện những nụ cười mỉm một cách tự nhiên nhất. Nụ cười tuy chưa phát ra thành tiếng nhưng cũng thể hiện trẻ đã có khả năng “nhận biết” về cơ thể mình. Ngoài ra trẻ còn biết thông qua kiểm soát từ não bộ để bày tỏ cảm xúc, cảm nhận trên khuôn mặt.
Bé dễ bị người khác “chọc cười”
Một số bé mặc dù còn rất nhỏ nhưng lại rất “nhạy cười” với người xung quanh. Tuy lúc này trẻ chưa thể nhận biết mình đang làm gì nhưng thái độ lạc quan như thế vừa khiến người khác thích thú, vừa chứng tỏ trẻ hiểu cách tương tác với thế giới còn lạ lẫm này. Đây chính là biểu hiện của trí thông minh, đồng thời trẻ lớn lên còn là người có chỉ số EQ cao.
Bé thường xuyên bộc lộ nụ cười mỉm với người thân
Bé đặc biệt thích dùng nụ cười như một cách giao tiếp với người thân chứng tỏ bé đang cố gắng xây dựng mối quan hệ tình cảm với những người quan trọng nhất trong cuộc sống. Đây là cách tương tác tình cảm tích cực, rất có lợi cho sự phát triển của não bộ. Sau khi trưởng thành, trẻ thường có trí tuệ ưu việt hơn người.
Không chỉ nụ cười của trẻ sơ sinh, những biểu hiện thú vị khác cũng chứng tỏ trẻ có trí lực cao
Trẻ luôn dùng mắt hướng theo người khác
Mặc dù mắt trẻ sơ sinh đã có phản ứng với ánh sáng nhưng do tế bào giác mạc còn ít, cơ mắt điều tiết chưa tốt nên thị giác không nhạy bén, phạm vi nhìn xa nhất chỉ khoảng 60cm và rõ nhất trong khoảng 20cm.
Khi trẻ khoảng 4 – 6 tuần tuổi, nếu trẻ thường xuyên dùng ánh mắt hướng theo hoạt động của các vật thể xung quanh cho thấy trí não trẻ phát triển rất tốt. Ở 12 tuần tuổi, trẻ luôn hướng theo giọng nói của mẹ. Khoảng 12 - 16 tuần tuổi, trẻ còn biết nhìn cách người lớn cầm bình sữa cho bé bú, thậm chí còn mỉm cười.
Sự phát triển mang tính xã hội
Trẻ vừa mới sinh ra sẽ không có khả năng nhận biết người khác, ai cũng có thể bế. Nhưng đến sau 3 tháng tuổi, trẻ bắt đầu có cảm giác quen – lạ với người xung quanh. Khi mẹ hoặc một người thân cận nào đó trong gia đình đi ngang qua tầm mắt, trẻ thường mỉm cười bày tỏ sự hưng phấn, vui vẻ. Thỉnh thoảng còn huơ tay múa chân thích thú.
Sau 6 tháng tuổi, trẻ sẽ bày tỏ sự sợ hãi, né tránh, thậm chí khóc thét khi tiếp xúc với người lạ. Những biểu hiện mang tính xã hội này chứng tỏ trí nhớ của bé phát triển tốt, khả năng nhận biết, cảm thụ cũng cao, tư duy tốt khi trưởng thành.