"Bữa ăn hạt nhân" ra đời từ lò vi sóng
Nhiều thông tin cho rằng sử dụng lò vi sóng nguy hiểm cho sức khỏe thậm chí có thể gây ung thư. Đặc biệt nhiều bà nội trợ còn cho rằng nấu ăn bằng lò vi sóng cho ra đời "bữa ăn hạt nhân".
Chị Trần Bích Ngọc (Hàng Bột, Hà Nội) cho biết gia đình chị có lò vi sóng hai năm nay không dùng đến vì sợ hâm nóng thức ăn, sử dụng lò vi sóng nấu ăn gây ung thư. Chị Ngọc kể trước đây chị lười thậm chí luộc thịt chị cũng cho vào lò vi sóng luộc chỉ 5 – 7 phút là có đĩa thịt luộc ngon thay vì phải luộc trên bếp hay một số món chị cũng dùng lo vi sóng.
Tuy nhiên, sau khi có thông tin chia sẻ thức ăn nấu từ lò vi sóng gây biến đổi chất trong thực phẩm có thể gây ung thư nguy hiểm tới sức khỏe nhất là thực phẩm dành cho trẻ em.
Từ đó, gia đình chị Ngọc không bao giờ sử dụng lò vi sóng nữa. Không riêng gì chị Ngọc mà rất nhiều chị em nội trợ cũng băn khoăn đặt câu hỏi sử dụng lò vi sóng có an toàn không, thức ăn nấu chín bằng lò vi sóng có lo sợ nhiễm các chất từ sóng từ không?
Bác sĩ nói gì?
Theo PGS Nguyễn Trung Chính – Nguyên trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết việc thức ăn được chế biến từ lò vi sóng có thể gây ung thư chưa được nghiên cứu cụ thể bởi thực tế các sóng từ lò vi sóng không ảnh hưởng đến sức khoẻ. Hiện nay, công nghệ làm lò vi sóng đã cải tiến hơn trước rất nhiều nên người dân không quá lo lắng về “bữa ăn hạt nhân” từ trong lò vi sóng.
Còn bác sĩ Trần Văn Phúc- Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội cho biết sự ra đời của công nghệ mới, khi được áp dụng rộng rãi, thường đi kèm với tâm lí lo sợ tác động tiêu cực của chính thiết bị đó, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Lò vi sóng cũng không ngoại lệ, nó gắn với nhiều tin đồn gây nên nỗi sợ hãi. Trước đây, đã có nhiều thí nghiệm về thực phẩm từ lò vi sóng không an toàn đặc biệt là thông tin nước đun sôi từ lò vi sóng và sau đó tưới cây cây sẽ chết. Đây là “thí nghiệm” được chỉnh sửa chứ không phải sự thật.
Bác sĩ Phúc cho biết thực chất, nước đun sôi trong lò vi sóng, hay nước đun bằng bếp điện, đun bếp ga, đun bằng than củi thì vẫn cứ là nước, chứ không thể nào biến tính phân tử nước thành một thứ chất khác để gây nguy hiểm.
Bác sĩ Phúc thông tin khi sử dụng lò vi sóng từ ánh sáng nhìn thấy qua sóng vi ba, đến sóng vô tuyến; đều là các dạng bức xạ không ion hóa. Bức xạ không ion hóa được hiểu là bức xạ không có đủ năng lượng để đánh bật các ion ra khỏi nguyên tử của nó. Tức là sóng vi ba phát ra từ lò vi sóng không thể bằng cách nào để biến đổi cấu trúc nguyên tử, vậy càng không thể biến đổi phân tử, nên sóng vi ba sẽ không làm biến tính thức ăn để gây ung thư.
Bác sĩ Phúc nhấn mạnh phương pháp nấu khác là thức ăn nóng từ ngoài vào nên cần thời gian lâu hơn. Trong khi đó, lò vi sóng làm cho thức ăn nóng từ trong ra nên thời gian làm chín thức ăn rất nhanh, đảm bảo các chất dinh dưỡng nhạy cảm với nhiệt như Vitamin ít bị phá hủy.
Các nghiên cứu của Đại học Cornell (Mỹ)cho thấy, nấu chín thức ăn bằng bằng bếp củi mất 77% Vitamin so với nấu bằng lò vi sóng, hàm lượng chất Nitrosamine gây ung thư cũng cao hơn đáng kể so với nấu bằng lò vi sóng.
Nguyên tắc an toàn lò vi sóng là phải kín để không lọt sóng ra ngoài nên Cơ quan Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ - FDA mới đưa ra tiêu chuẩn an toàn với nhà sản xuất. FDA cũng khuyến cáo không sử dụng lò vi sóng cửa hỏng, cửa cong vênh, cửa mở mà lò vẫn chạy. Khi bật lò vi sóng luôn phải đóng cửa kín. Cơ quan này cũng khuyến cáo, không đứng sát ngay lò vi sóng, không để trẻ em sử dụng lò vi sóng.
“Các nghiên cứu chỉ ra rằng, sóng vi ba có bước sóng khoảng 12cm nên suy giảm rất nhanh, giả sử có lọt ra ngoài thì khoảng 100inch sẽ suy giảm đi 100 lần. Bản chất sóng vi ba không nguy hiểm. Nhưng nếu nhiễm với mức độ nhiều, cũng sẽ gây tổn thương, nên mới có những khuyến cáo như vậy. Vì thế mà bà bầu thì cũng không nên đứng sát lò, bật lên đứng xa xa chút ngó là được, nhưng không có lo sợ quá thế” – bác sĩ Phúc cho biết.