Vậy thực hư của “lời đồn” này là như thế nào, sử dụng bột ngọt như thế nào cho đúng? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
Bột ngọt (mì chính) là gì?
Bột ngọt là một loại gia vị nêm nếm, có “umami” (còn gọi là vị ngọt thịt), làm hài hoà các mùi vị khác nhau trong món ăn. Chính vì vậy, đây là gia vị phổ biến không chỉ trong bếp ăn gia đình mà còn trong công nghiệp chế biến thực phẩm.
Bột ngọt nguyên bản được sản xuất từ những nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên như: mía, sắn, ngô, củ cải đường…, thông qua phương pháp lên men tự nhiên bằng vi sinh vật (tương tự như bia, sữa chua…).
Tại Việt Nam, mật mía đường và tinh bột sắn (khoai mì) là nguyên liệu chính được dùng để sản xuất bột ngọt.
Tác dụng của bột ngọt là gì?
Bột ngọt bản chất chỉ là một loại gia vị, giúp các món ăn thêm hấp dẫn chứ không phải là chất dinh dưỡng. Vì vậy, các bà nội trợ không được dùng bột ngọt để thay thế cho các chất dinh dưỡng trong thịt cá.
Ngoài chức năng chính là gia vị, bột ngọt còn kích thích thần kinh vị giác cũng như tác động làm dạ dày tăng tiết dịch tiêu hóa, tăng hoạt động của các men, kết quả là giúp các chất dinh dưỡng hấp thu vào cơ thể dễ dàng hơn.
Tác dụng phụ của bột ngọt
Nếu lạm dụng hoặc dùng không đúng cách, bột ngọt có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khác nhau:
Cảm giác nóng rát ở khuôn mặt, cánh tay hoặc ngực.
Tê nhức từ cổ đến tay, ngứa ran ở mặt, cánh tay hoặc cổ.
Nhức đầu, đau tức ngực, buồn nôn, tim đập nhanh (nhiều người cho rằng đây là dấu hiệu “say bột ngọt”)
Khó thở, đặc biệt nguy hiểm với những người bị hen suyễn, COPD....
Với trẻ em, bột ngọt ảnh hưởng không tốt cho phát triển não của trẻ.
Đối với những người bị mỡ máu, tiểu đường, trẻ em, phụ nữ mang thai, người bị béo phì, đau đầu kinh niên hoặc hen suyễn rất dễ dị ứng với bột ngọt.
Liều lượng sử dụng bột ngọt là bao nhiêu?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm của Mỹ (FDA), liều dùng bột ngọt hàng ngày (ADI = Acceptable Daily Intake) là “không xác định”.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã từng khẳng định từ năm 1987: "Quá trình chuyển hóa bột ngọt trong cơ thể trẻ em và người lớn là như nhau, bột ngọt an toàn cho người sử dụng và có liều dùng hàng ngày không xác định”
Tương tự theo Bộ Y tế Việt Nam, bột ngọt nằm trong danh sách các chất phụ gia được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm và không quy định liều dùng hàng ngày.
Vì lí do đó, chúng ta có thể sử dụng bột ngọt như một chất điều vị với liều lượng dùng phù hợp theo khẩu vị, sao cho món ăn ngon và không thay thế các chất dinh dưỡng có trong thịt cá.
Dùng bột ngọt đúng cách như thế nào?
Thời điểm sử dụng bột ngọt
Nhiệt độ 70 – 90 độ C là mức nhiệt thích hợp nhất để bột ngọt có thể hòa tan. Do đó, thời điểm nêm gia vị này là lúc vừa tắt bếp, thức ăn đã chín và hơi nguội.
Khi cho bột ngọt vào thức ăn ở nhiệt độ cao (khoảng trên 120 độ C) sẽ xảy ra các phản ứng hóa học làm bột ngọt bị chuyển hóa thành Sodium glutamate, làm mất hương vị tự nhiên của các món ăn và gây độc cho người sử dụng.
Đồng thời, bột ngọt hòa tan kém ở nhiệt độ thấp, làm cho món ăn có vị đắng và không tốt cho sức khỏe.
Nếu bạn muốn sử dụng bột ngọt để tăng vị ngon cho món nguội, nên hòa tan bột ngọt trong nước ấm rồi mới trộn vào thức ăn.
Không dùng chung với thực phẩm có vị ngọt
Tuyệt đối không nên thêm bột ngọt vào các loại rau củ quả có vị ngọt tự nhiên như củ cải, cà chua… vì nó sẽ phá hủy hương vị, độ ngọt của món ăn và khiến mùi vị khó ăn.
Không dùng chung với thực phẩm chua
Tính acid cao của các thực phẩm có vị chua dễ làm thành phần bột ngọt bị thay đổi. Nếu cho bột ngọt vào món có độ chua càng cao càng dễ ảnh hưởng đến sức khỏe nội tạng cơ thể.
Không dùng quá nhiều
Cũng như các gia vị khác, lượng bột ngọt dư thừa do lạm dụng sẽ khiến vị món ăn bị thay đổi và gây các tác dụng phụ cho sức khỏe. Do đó, cần dùng gia vị này vừa phải tùy theo khẩu vị của bản thân.
Có thể thấy, mì chính không phải là gia vị bị cấm sử dụng, liều lượng cũng không bị giới hạn. Tất cả phụ thuộc vào khẩu vị của từng người để tránh các tác dụng phụ do lạm dụng. Quan trọng nhất vẫn là cách sử dụng bột ngọt sao cho đúng nhất.