Theo thông tin từ VnExpress, Hà Nội ghi nhận gần 500 ca mắc sốt xuất huyết mỗi tuần, tăng 4,3 lần so với tháng trước, nhiều người tái mắc bệnh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, Thạch Thất là địa phương ghi nhận nhiều ca nhất (483), sau đó là Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, khoảng 200 ca mỗi nơi, với 110 ổ dịch. Chỉ số muỗi, bọ gậy ở ngưỡng cao tại các quận huyện Thạch Thất, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Phú Xuyên, Thường Tín, Hà Đông, Tây Hồ.
Tổng cộng từ đầu năm đến nay, thành phố phát hiện gần 2.800 ca sốt xuất huyết, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ 2022, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Số ca mắc tiếp tục tăng dẫn đến số ca nhập viện tăng. Từ tháng 7 đến nay, mỗi ngày phòng khám Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E, tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân sốt xuất huyết, đa số là phụ nữ mang thai, người cao tuổi và người có nhiều bệnh lý nền. Họ nhập viện trong tình trạng nặng, ho ra máu, xuất huyết âm đạo, đi ngoài phân đen, men gan tăng cao, tràn dịch màng phổi, tụt huyết áp.
Sốt xuất huyết cũng tấn công nhiều trẻ em. Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, điều trị 120 trẻ sốt xuất huyết, từ đầu năm đến nay, tăng gấp đôi so cùng kỳ. Trong đó, hơn 50 trường hợp nặng, nhiều trẻ tái mắc bệnh.
Có 4 type virus gây bệnh sốt xuất huyết Dengue, tương ứng với 4 type huyết thanh, là D1, D2, D3 và D4. CDC lấy 20 mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân trong tháng 7, xét nghiệm cho thấy 12 mẫu dương tính với chủng D1 và 4 mẫu dương tính D2.
Đến nay, chưa có tài liệu nào cho biết trong 4 type, loại nào gây bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, người mắc chủng nào chỉ miễn dịch với chủng đó và có thể nhiễm chủng khác. Như vậy, mỗi người có thể sẽ bị sốt xuất huyết 4 lần trong đời. Một số trường hợp, mắc bệnh lần thứ hai dễ trở nặng hơn lần đầu.
Dẫn tin từ Sức khỏe Đời sống, theo Ths.BS Nguyễn Trung Cấp - Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, khi có những dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết dưới đây, cần nhập viện ngay:
- Người bệnh sốt xuất huyết khó chịu hơn hoặc quấy hơn dù sốt giảm hoặc hết sốt
- Người bệnh không ăn uống được
- Xuất hiện tình trạng nôn ói nhiều
- Xảy ra tình trạng đau bụng nhiều
- Tay chân lạnh, ẩm
- Người mệt lả, bứt rứt
- Xuất hiện chảy máu mũi, miệng hoặc bất kỳ chỗ nào
- Người bệnh không đi tiểu trên 6 giờ
Ngoài ra, người bệnh có biểu hiện thay đổi hành vi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì... cũng cần nhập viện ngay để được điều trị.
Bên cạnh đó, theo BS Cấp dù chưa có dấu hiệu cảnh báo bệnh sốt xuất huyết chuyển nặng như trên nhưng có thể xem xét chỉ định nhập viện, cụ thể:
- Người mắc sốt xuất huyết sống một mình
- Mắc sốt xuất huyết nhưng nhà xa cơ sở y tế không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng
- Gia đình không có khả năng theo dõi bệnh sốt xuất huyết
- Người thừa cân, béo phì mắc sốt xuất huyết
- Phụ nữ có thai mắc sốt xuất huyết
- Trẻ nhỏ hơn 1 tuổi hoặc người lớn hơn 60 tuổi mắc sốt xuất huyết hoặc người có bệnh mạn tính đi kèm cũng cần xem xét nên nhập viện để theo dõi và điều trị sốt xuất huyết
Tóm lại: Vì sự thay đổi khí hậu là điều kiện thuận lợi giúp cho loài muỗi sinh trưởng và phát triển, nhất là mùa mưa đang diễn ra ở nước ta, Điều đó dẫn đến các căn bệnh do muỗi truyền nhiễm cho con người ngày càng xuất hiện nhiều, đáng kể đến là căn bệnh sốt xuất huyết.
'Điều quan trọng cần 'nằm lòng' là chúng ta không được chủ quan, lơ là với căn bệnh này'. BS Cấp khuyến cáo.