Theo thông tin từ báo Phụ nữ Việt Nam, năm 2011, cậu học sinh trung học 17 tuổi Vương Thượng Côn ở An Huy (Trung Quốc) có niềm ham mê mãnh liệt với các sản phẩm của Apple. Được biết Vương sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả. Thậm chí quê nhà của Vương còn là địa phương nghèo nhất Trung Quốc. Tuy nhiên niềm đam mê có iPhone, iPad để sĩ diện với bạn bè của Vương lại vô cùng mãnh liệt.
Một ngày nọ, Vương lướt mạng và nhận được tin nhắn từ một người thu mua nội tạng trong một phòng trò chuyện trực tuyến. Người này nói rằng Vương có thể kiếm được 20.000 NDT (69 triệu đồng) khi bán nội tạng.
Chàng trai trẻ khi ấy chủ quan cho rằng: "Một quả thận là đủ dùng rồi, tại sao tôi phải cần thêm một quả thận nữa chứ? Sao không bán nó đi để kiếm tiền?". Tháng 4/2011, nhóm buôn bán nội tạng đưa Vương Thượng Côn từ tỉnh An Huy tới thành phố Sâm Châu (tỉnh Hồ Nam) để thực hiện ca phẫu thuật chui. Bố mẹ Vương đều không hề biết về kế hoạch này.
Vương Thượng Côn được phẫu thuật lấy thận trái tại một phòng khám không đảm bảo vệ sinh. Phần nội tạng này sau đó được bán với giá 220.000 tệ (hơn 770 triệu đồng) nhưng Vương chỉ nhận được 10% số tiền. Sau đó, Vương Thượng Côn lấy tiền bán thận mua 1 chiếc iPhone 4 và 1 chiếc iPad 2.
Gia đình Vương lập tức nghi ngờ và tra hỏi con trai lấy tiền đâu để mua iPhone. Sau một hồi tra hỏi, Vương phải khai nhận mình đã bán một quả thận. Vụ việc nhanh chóng được trình báo cảnh sát. 9 người liên quan đến hoạt động mua bán trái phép bị bắt giữ, 5 người trong số đó bị buộc tội cố ý gây thương tích và buôn bán nội tạng. Còn gia đình Vương được bồi thường 1,47 triệu tệ (khoảng 4,9 tỷ đồng).
Theo VnExpress dẫn nguồn từ Sina, hiện tại, sau hơn 10 năm bán thận mua điện thoại, Vương phải nằm liệt giường, uống thuốc suốt đời, chạy thận mỗi tuần.
Việc học của Vương cũng bị gián đoạn nhiều năm, những sinh hoạt cơ bản đều phụ thuộc gia đình. Chàng trai bán thận mua iPhone năm đó giờ chỉ nặng khoảng 50 kg, cao 1,87m. Bố mẹ anh vẫn rơi nước mắt mỗi khi thấy con trai mình.
Nhiều năm qua đi, chiếc iPhone mà Vương khao khát giờ chỉ có giá vài chục nhân dân tệ. Những gì anh phải đánh đổi là di chứng cả đời và gánh nặng cho cha mẹ già.
Câu chuyện của Vương tiếp tục trở thành chủ đề bàn tán trên mạng xã hội mỗi khi đến "mùa" iPhone mới. Mỗi bài viết thu hút hàng trăm triệu lượt đọc và hàng nghìn lượt bình luận. Ngoài những bình luận cảm thông, chia sẻ với Vương và gia đình. Nhiều người cho rằng câu chuyện của Vương là minh chứng cho chủ nghĩa thực dụng hào nhoáng. "Không ít bạn trẻ trở thành 'nô lệ' của những thương hiệu xa xỉ. Những chiếc smartphone đời mới không đơn thuần là một món đồ công nghệ, mà trở thành một chuẩn mực để khẳng định 'đẳng cấp' với bạn bè. Nhưng hãy nhớ, một chiếc iPhone mới không thể biến bạn thành người giàu", bình luận của tài khoản Xiao Zhing nhận được nhiều tán thành trên Weibo.