Reuters dẫn số liệu từ Cơ quan Phòng vệ Dân sự Italia cho biết, trong ngày 24/3, nước này ghi nhận thêm 743 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số người chết vì dịch bệnh này tại Italia lên 6.820. Đây là ngày có số người chết vì Covid-19 cao thứ hai kể từ khi dịch bùng phát ở Italia hồi cuối tháng 2.
Cũng trong ngày hôm qua, Italia có thêm 5.249 ca mắc mới, nâng số người mắc Covid-19 tại quốc gia này lên 69.176 người.
Trả lời phỏng vấn báo La Repubblica hôm qua, người đứng đầu Cơ quan Phòng vệ Dân sự Italia Angelo Borrelli nói rằng, số người nhiễm bệnh thực tế có thể cao gấp 10 lần con số thống kê do hiện tại Italia mới chỉ xét nghiệm cho những người có triệu chứng nặng. Điều đó có nghĩa là, số người mắc Covid-19 thực tế tại Italia có thể lên tới gần 700.000 người.
Đến nay, chủ yếu các bệnh nhân Covid-19 tập trung ở miền bắc Italia, đặc biệt là vùng Lombardy. Tuy nhiên, giới chức địa phương lo ngại dịch có thể lan rộng đến các vùng miền nam với kinh tế kém phát triển hơn, hệ thống y tế ít được trang bị hơn khi người dân di chuyển từ miền bắc đến miền nam.
Theo Cơ quan Phòng vệ Dân sự Italia, thách thức lớn nhất hiện nay với hệ thống y tế nước này đó là tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng trang thiết bị y tế như máy thở, quần áo bảo hộ, khẩu trang. Để khắc phục phần nào khó khăn này, Thống đốc vùng Veneto Luca Zaia đã cho phép chính quyền thu thập máy thở từ các cơ sở thú y để chuyển đổi sang sử dụng cho bệnh nhân tại các bệnh viện. Trong khi đó, các công ty dệt may thời trang Italia cũng chuyển sang sản xuất khẩu trang để bổ sung nguồn cung cho hệ thống y tế.
Những số liệu mới nhất có thể kéo theo sự thất vọng với Italia sau khi đã phong tỏa đất nước 2 tuần nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Thậm chí, hai ngày trước đó, số ca tử vong giảm đã làm dấy lên hy vọng rằng tình hình dịch bệnh tại Italia bắt đầu ổn định và dần dần được kiểm soát.
Chính phủ của Thủ tướng Italia Giuseppe Conte không ngừng siết chặt lệnh phong tỏa, bao gồm đóng cửa toàn bộ trường học, quán bar, nhà hàng cũng như các nhà máy không cần thiết. Người dân Italia cũng được yêu cầu ở trong nhà và chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết, khẩn cấp.
Lệnh phong tỏa dự kiến có hiệu lực đến ngày 3/4, song với tình hình hiện tại, chính phủ Italia nhiều khả năng sẽ gia hạn lệnh phong tỏa này. Một nghị quyết được thông qua ngày 24/3 cho phép chính phủ Italia gia hạn lệnh phong tỏa đến hết tháng 7 năm nay. Tuy nhiên, Thủ tướng Conte nói rằng ông không có ý định kéo dài lệnh phong tỏa đến thời điểm đó và hy vọng có thể sớm nới lỏng phong tỏa.
Ngân hàng Goldman Sachs dự báo, dịch Covid-19 có thể khiến GDP của Italia giảm hơn 11% trong năm nay mặc dù Bộ trưởng Kinh tế Italia Roberto Gualtieri cho rằng, nền kinh tế nước này sẽ chỉ suy giảm “vài phần trăm”.