Ngày 4/1, PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19, Trưởng khoa Cấp cứu hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), cho biết Bệnh viện đang điều trị khoảng 200 ca, trong đó 60-70% bệnh nhân tình trạng nặng (những trường hợp thở ô xy trở lên). “So với 3 tuần trước số bệnh nhân nặng ngày càng tăng.
Một số bệnh nhân phải thở máy đã 5-6 tuần nhưng vẫn chưa thể ra viện do tình trạng nặng. Trong đó có những bệnh nhân mắc bệnh nền phức tạp, ít chịu hợp tác với nhân viên y tế, hoặc những cụ chưa được tiêm vắc xin khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng”, PGS Hải cho hay.
Điều dưỡng trưởng bệnh viện, Nguyễn Thị Thu Phương cho biết áp lực lên các nhân viên y tế ngày càng lớn khi số bệnh nhân nặng tăng cao. Do đó bệnh viện áp dụng phương án 2 ca 3 kíp với mỗi ca kéo dài 12 giờ. “Sau 4 giờ làm trực tiếp tại các buồng hồi sức tích cực, nơi điều trị bệnh nhân nặng nhất, các bác sĩ, điều dưỡng lại đổi nhóm khác vào chăm sóc bệnh nhân để ra ra làm việc tại phòng đệm”, điều dưỡng Phương nói. Với những bệnh nhân có tiến triển tốt sẽ được test nhanh ngay khi tỉnh lại. Kết quả xét nghiệm âm tính bệnh nhân sẽ được chuyển sang khu phục hồi chức năng. Việc này để tránh trường hợp bệnh nhân tiến triển tốt nhưng nhìn xung quanh thấy các trường hợp nặng, nguy kịch khác, tâm lí sẽ bị ảnh hưởng, bệnh tình nặng trở lại.
Bác sĩ Hải thông tin thêm ở giai đoạn hiện nay những ca bệnh nặng khác với những đợt dịch trước đây. Đơn cử như ở đợt dịch thứ 4 tại TPHCM, Bình Dương, Long An… các ca nặng, nguy kịch thuộc nhiều lứa tuổi, có điểm chung lớn nhất là chưa được tiêm vắc xin. Với ca nặng, tử vong có cả người trẻ, khoảng 30-40 tuổi. Nhưng hiện nay, vắc xin đã bao phủ cộng đồng nên phần lớn bệnh nhân nặng, nguy kịch là người già, có bệnh nền và hầu hết chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Liên quan vấn đề điều trị, Bộ Y tế thông tin, ca tử vong tập trung chủ yếu ở người cao tuổi, người có bệnh nền chưa tiêm đủ vắc xin.
Báo cáo của các tỉnh, thành phố như TPHCM số người tử vong có bệnh nền chiếm 93%, trên 70 tuổi, phần lớn có từ 2 bệnh nền trở lên. Theo thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, trong số ca mắc COVID-19 tại nước ta có 6% là bệnh nhân nặng, 8,3% ở mức trung bình, tỉ lệ bệnh nhân nhẹ và không có triệu chứng cao nhất với 85,7%. 10 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong cao nhất cả nước là TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, TP Cần Thơ, Đồng Tháp và Kiên Giang. Qua phân tích số ca bệnh tử vong cho thấy người trên 65 tuổi chiếm hơn 47% là người có bệnh nền, hơn 36% người 50-56 tuổi; 18-49 tuổi là 15%; nhóm 0-17 tuổi là 0,42%. Con số trên cho thấy tổng số ca tử vong từ 50 tuổi trở lên chiếm đến 84%.
Nhiều nguyên nhân khiến số ca mắc tăng cao
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Thời gian qua, số ca cộng đồng và tử vong cao do một số nguyên nhân cơ bản làm gia tăng ca nhiễm trong thời gian qua.
Cụ thể, sau khi thực hiện Nghị quyết 128 các hoạt động xã hội trở lại bình thường, người dân giao lưu đi lại bình thường nên ca nhiễm cộng đồng tăng; mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng; biến thể Delta với tốc độ lây lan nhanh, biến thể Omicron đã ghi nhận ở nước ta và có nguy cơ lây lan rộng trong cộng đồng; xuất hiện tâm lý chủ quan, không thực hiện quy định về phòng, chống dịch 5K, đặc biệt là việc không đeo khẩu trang nơi công cộng và những người tiêm vắc xin giai đoạn đầu miễn dịch sau tiêm sẽ giảm dần theo thời gian, đồng thời những người mới tiêm cần có thời gian để sinh miễn dịch.
Các chuyên gia nhận định, thời gian tới khi người dân được nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần dài ngày, việc giao lưu, chúc tết, đoàn tụ gia đình cũng là nguy cơ lây lan dịch bệnh. Cùng với đó việc mở lại chuyến bay thương mại từ 1/1 khiến du khách đi du lịch Việt Nam, người Việt từ nước ngoài về đón Tết… tăng cao, nguy cơ xâm nhập biến thể Omicron trong cộng đồng.