Chiều ngày 7/1, tại cuộc giao lưu trực tuyến về việc thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 100), Thượng tá Nguyễn Quang Nhật – Trưởng phòng tuyên truyền, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - đã lý giải nhiều thắc mắc của người dân về việc kiểm tra và xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn.
Theo đó, với thắc mắc của nhiều người về việc sử dụng siro ho, ăn hoa quả có thể tạo ra nồng độ cồn trong khí thở, dẫn đến việc vi phạm nồng độ cồn, đại diện Cục CSGT cho biết, thiết bị đã cấp cho các địa phương đủ chất lượng và đã qua kiểm định, có thể phát hiện tài xế có chất ethanol hay không.
Nhiều người hoang mang và tranh cãi về việc ăn trái vải bị phạt, nhưng để xử lý vi phạm, với những người có yêu cầu, CSGT sẽ nhờ lực lượng chuyên môn làm rõ và chứng minh.
Trong đợt ra quân thực hiện Nghị định 100, có 14/84 trường hợp bị phạt kịch khung vì nồng độ cao, nhưng chưa có trường hợp nào khiếu nại vì uống siro hay ăn hoa quả mà bị phạt.
Một trường hợp bị kiểm tra nồng độ cồn
Trước đó qua theo dõi 6 tháng cuối 2019, Cục CSGT ghi nhận chỉ có 640 trường hợp có vi phạm nồng độ cồn từ 0 đến 0,25mg/lít khí thở. Toàn bộ trường hợp này không khiếu nại gì. Cục CSGT vẫn luôn theo dõi các vi phạm để đảm bảo xử lý đúng người, đúng việc.
“Nếu người dân phải sử dụng biệt dược có chứa rượu, tôi khuyến cáo mọi người sử dụng các phương tiện giao thông khác như taxi, taxi công nghệ, xe buýt... sao cho phù hợp với trạng thái cơ thể của mình”, thượng tá Nhật nói.
Về vấn đề trên mạng xã hội lan truyền các mánh khóe để tránh việc bị phạt khi vi phạm nồng độ cồn như bỏ xe nếu xe rẻ hơn tiền phạt, dắt xe khi gặp CSGT… đại diện Cục CSGT cho biết, quan điểm đó là ngụy biện, chống đối.
Nếu người dân bỏ xe, lực lượng CSGT sẽ thực hiện theo đúng quy trình công tác, ghi nhận lại và lập biên bản, viết giấy mời và yêu cầu người điều khiển phương tiện đến giải quyết. Nếu người điều khiển không đến, lực lượng chức năng hoàn toàn có thể thành lập hội đồng đấu giá, bất kể đó là loại phương tiện gì.
Thượng tá Nhật cho rằng, lực lượng CSGT trên 63 tỉnh thành ra quân để đấu tranh với vi phạm giao thông khi đã sử dụng rượu bia. Với những người bị phát hiện đã uống rượu, bia mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông, dù ở vị trí nào cũng sẽ bị lập biên bản, xử phạt. Nhưng nếu khi uống bia rượu xong, người dân dắt xe ngay từ quán nhậu về nhà thì đó là người có ý thức. Những trường hợp này CSGT không xử lý nhưng vẫn sẽ nhắc nhở.
Còn trường hợp cố tình xuống dắt xe khi gặp chốt kiểm tra cũng sẽ bị dừng xe kiểm tra theo đúng quy trình, vì lực lượng CSGT đã tổ chức các vị trí quan sát từ xa. Dù người vi phạm xuống xe khi gặp lực lượng CSGT, nhưng những trường hợp này đã bị ghi hình từ trước.
Trong 6 ngày vừa qua, CSGT toàn quốc đã kiểm tra 25.345 trường hợp lái xe vi phạm an toàn giao thông, phạt hơn 23 tỷ đồng, tước 3.590 giấy phép lái xe; riêng xử lý vi phạm nồng độ độ cồn là 2.673 trường hợp.