Suýt bị chôn sống cùng mẹ
Câu chuyện cảm động về số phận cặp song sinh Hoàng Đình Đức và Hoàng Đình Phúc (2 tuổi, xã Long Thành, Yên Thành, Nghệ An) xảy ra sắp tròn 2 năm nhưng mỗi lần nhắc đến đều làm người nghe nghẹn ngào xúc động.
Những cơn mưa đầu mùa khiến cho con đường dẫn về làng Vạn Thành (xã Long Thành, Yên Thành) bì bõm nước. Vừa đến cổng nhà anh Hoàng Đình Yên và chị Võ Thị Hiệp, bố, mẹ cháu Hoàng Đình Đức đã nghe tiếng cười, tiếng bi bô rộn rã của trẻ con.
Tay rót nước mời khách, chị Hiệp mắt không rời cậu con trai hiếu động. Chị kể, tháng 9 năm 2015, qua người quen, họ biết tin một cặp song sinh ở Quảng Bình vừa ra đời, người mẹ mất do bị băng huyết. Theo hủ tục của người dân nơi đây, hai đứa trẻ này sẽ bị chôn theo mẹ. Biết tin, vợ chồng chị Hiệp cùng gia đình anh Hoàng Đình Lượng và chị Nguyễn Thị Lợi (Vạn Tràng, xã Long Thành) tức tốc lên đường vào Quảng Trị.
“Lúc đến chúng tôi sửng sốt lắm, trong căn nhà sàn đã ọp ẹp, hai đứa trẻ đỏ hỏn được đặt nằm trên một tấm phản đang thoi thóp thở, Đức da có biểu hiện tím tái, miệng cứng vì đói và lạnh. Gia đình nghèo này có tới 13 người con, cuộc sống vô cùng khó khăn”, chị Hiệp nhớ lại.
Theo hủ tục của người Pa Cô ở A Dơi, khi một người phụ nữ xấu số nào đó từ giã cõi đời, nếu con họ sinh ra chưa đầy 3 tháng tuổi thì phải chôn sống cùng mẹ. Hủ tục này cho rằng, trẻ dưới 3 tháng tuổi vẫn là “của trời, của đất”. Vì là “của trời, của đất” nên khi mẹ nó mất đi sẽ “rất nhớ”, vì “nhớ” nên “hồn ma” của mẹ nó sẽ theo con, ám ảnh và đem họa đến cho xóm làng. Lệ tục là lệ tục, bất biết có một sự can thiệp nào, gia đình người ta có đồng ý hay không thì đứa trẻ đó bắt buộc phải chung số phận. Nếu người nào có hành động ngăn cản làm hủ tục này thì sẽ bị người dân loại bỏ ra khỏi thôn bản, bị đánh đập, trả thù.
Cặp song sinh may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần khi có một người Kinh lên bản này làm ăn, biết sự việc người này đã ra sức khuyên nhủ, đe dọa gọi công an đến can thiệp thì người dân ở bản mới sợ hãi không dám chôn nữa. Ngược lại họ đặt hai đứa trẻ trên một tấm phản, không cho ăn uống để chúng tự chết dần.
Đầy ắp yêu thương ở gia đình mới
Chị Hiệp cho biết, sau khi gia đình hai bé chấp nhận cho gia đình chị Hiệp và chị Lợi nhận nuôi, hai bên đã lên làm việc với chính quyền xã A Dơi để làm thủ tục đưa các cháu về Nghệ An. Ông Doãn Ngọc Hà, chủ tịch UBND xã Long Thành cho biết, năm 2015, gia đình anh Yên và gia đình anh Lượng đưa các cháu lên UBND xã Long Thành hoàn tất thủ tục. Địa phương đã tiếp nhận hồ sơ nhận nuôi hai cháu của hai gia đình.
Vợ chồng anh Yên, chị Hiệp nhận nuôi cháu lớn Hoàng Đình Đức. Gia đình anh Lượng, chị Lợi nuôi nuôi cháu Hoàng Đình Phúc. Kể về những vất vả ngày đầu nuôi con, chị Hiệp không giấu nỗi xúc động, “do bị bỏ đói nên sức khỏe con rất yếu. Trong tuần đầu tiên, mỗi lần cháu chỉ uống được 20ml, mình cứ phải canh thời gian 2 tiếng cho con bú sữa một lần, rồi tăng số lượng lên dần để cháu làm quen. Lần đầu làm mẹ, mình bối rối và lo lắng vô cùng”.
Chị Hiệp và anh Yên đến với nhau khi chị lỡ thì còn anh Yên cũng đã ly hôn một lần, khao khát có một đứa con lúc nào cũng cháy bỏng trong họ. Kết hôn được 5 năm nhưng vợ chồng mãi chẳng có tin vui, anh chị cũng nhiều lần chạy chữa, uống thuốc nhưng kết quả vẫn không khả quan. “Từ ngày có cháu, gia đình tôi hạnh phúc lắm, lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Chúng tôi cố gắng vun vén gia đình nhiều hơn, quan tâm nhau và dành tất cả tình cảm cho con”, chị Hiệp chia sẻ.
Chị Hiệp là Bí thư chi bộ xóm Vạn Thành, lo công việc chung bận rộn, không có người trợ giúp chăm con nên từ bé Đức đã theo mẹ đi tham gia các hoạt động của làng của xóm. Vì vậy đức là Đứa trẻ nhanh nhẹn, bạo dạn và rất hòa đồng với mọi người.
Trời nhá nhem tối. Chúng tôi cùng chị Hiệp và cháu Đức đến làng Vạn Tràng thăm em trai là bé Hoàng Đình Phúc. Anh Lượng đi làm thợ vẫn chưa về. Phúc đang chơi đùa và bi bô cùng bà nội và đám bạn hàng xóm ở sân. Căn nhà 3 gian khang trang của anh Lượng, chị Lợi là ngôi nhà đầy ắp yêu thương của cháu Phúc.
Chị Lợi trầm tư chia sẻ: “Làm sao quên được những ngày đầu nuôi con, vì bị bỏ đói nên cháu uống được ít sữa lắm, mà cứ uống vào là trớ ra hết nên hai vợ chồng thấp thỏm cả đêm không ngủ được, chúng tôi phải đưa cháu đi khám mấy lần, bác sĩ tư vấn nôn trớ ở trẻ nhỏ là bình thường mình mới yên tâm được. Thời gian đầu chăm cháu, tôi sụt cả mấy cân ấy chứ. Phúc cũng như bao đứa trẻ khác, lúc nóng lúc lạnh chăm sóc vất vả nhưng hạnh phúc thì không gì sánh nổi”.
Mặc người lớn nói chuyện, hai anh em Đức và Phúc vẫn miệt mài chơi cùng nhau, pha trò cười, nói không ngớt. Bà nội của bé Phúc cho biết, anh Lượng mưu sinh bằng nghề làm thợ xây, công việc đều nhưng sức khỏe anh Lợi không tốt nên không làm chăm như người ta được. Chị Lợi ở nhà chăm lo công việc đồng áng, việc trông cháu có bà hỗ trợ nên cũng có thời gian làm kinh tế và lo việc nhà. Chưa đầy hai tuổi nhưng Phúc đã có thể nhớ hết tất cả tên những người hàng xóm xung quanh, kể cả người lớn và trẻ con trong xóm. Phúc cũng rất quấn bố mẹ mình.
Nhà chị Hiệp và chị Lợi ở cùng xã, cách nhau chưa đầy 1km nên hai anh em Đức, Phúc thường xuyên được gặp và chơi chung với nhau. Tình cảm anh em vì thế cũng không tách rời.
Gia đình anh Yên và anh Lượng cũng là anh em cùng họ nên anh em Đức không chỉ được ở gần nhau mà hai bên gia đình cũng rất quan tâm, mong muốn cho hai cháu gặp gỡ thường xuyên để đỡ thiếu thốn tình cảm.
Nhìn khuôn mặt bầu bĩnh, đáng yêu của cặp đôi song sinh giống nhau như hai giọt nước, những người xung quanh mừng cho hai đứa trẻ. Sau những bất hạnh tưởng chừng không thể vượt qua, giờ đây hai anh em Đức và Phúc đã có gia đình mới, nơi đầy ắp tình yêu thương.