Theo thông tin từ ứng dụng Air Visual (theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới ghi nhận chỉ số chất lượng không khí), chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội sáng nay ở ngưỡng 225 - ngưỡng rất xấu, có hại cho sức khỏe tất cả mọi người.
Với chỉ số này, Hà Nội xếp thứ 4 trong danh sách gần 100 thành phố, đứng sau Delhi (Ấn Độ), Lahore và Karachi (Pakistan) vốn là những nơi ô nhiễm nhất thế giới nhiều năm qua.
Trong khi đó, trang theo dõi chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội cũng ghi nhận ô nhiễm không khí ở Thủ đô và các tỉnh miền Bắc có thể kéo dài đến ngày 30/11.
Kết quả đo chất lượng không khí tại điểm đo 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội) của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận chỉ số AQI là 225 - tương đương mức rất xấu, ảnh hưởng đến tất cả người dân.
16 trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy 7 trạm hiển thị AQI ở mức xấu (151-200), 7 trạm khác ở mức kém (101-150), hai trạm ở mức trung bình (51-100) và không có trạm ghi nhận ở mức tốt (0-50).
Trong đó, trạm đo ở đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm) có AQI cao nhất 194, mức tiệm cận rất xấu; trạm đo ở 36 Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) ghi nhận kết quả 184.
Theo đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay miền Bắc đang trong giai đoạn thời tiết giao mùa, khô hanh khiến bụi phát tán trong phạm vi rộng.
Hơn nữa, việc đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp của người dân ngoại thành cũng khiến tình trạng ô nhiễm thêm phức tạp, khiến ô nhiễm không khí diễn biến xấu, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp.
Cơ quan chức năng đã nhiều lần khuyến cáo người dân cần thường xuyên theo dõi chất lượng không khí để có biện pháp bảo vệ sức khỏe phù hợp. Các địa phương phải tăng cường kiểm soát nguồn thải, khuyến cáo người dân không đốt rơm rạ, rác, phụ phẩm nông nghiệp, tăng cường che chắn công trình xây dựng, thường xuyên phun rửa đường để giảm lượng bụi phát tán ra môi trường.