Tính riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4 tới nay), Hà Nội phát hiện tổng cộng 3.950 bệnh nhân Covid-19, gồm 1.599 ca ghi nhận ngoài cộng đồng và 2.351 người tại khu cách ly, khu vực phong tỏa.
Toàn TP còn 31 điểm đang cách ly; có 846 ca mắc Covid-19 đang điều trị.
Phát biểu tại cuộc họp giao ban giữa Sở Chỉ huy TP với Sở Chỉ huy các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội chiều 22/9, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, Thủ đô đang kiểm soát tốt tình hình dịch, tỷ lệ mắc rất thấp, đặc biệt trong những ngày gần đây.
Các ca mắc cũng khu trú ở những địa bàn trọng điểm. Những biện pháp Hà Nội triển khai đã đầy đủ và đúng hướng, theo chỉ đạo của Trung ương cũng như diễn biến thực tế.
Cho rằng thời gian tới Hà Nội vẫn xuất hiện các F0 trong cộng đồng khi nới lỏng giãn cách xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh, việc kiên quyết xử lý dứt điểm các ổ dịch là hết sức quan trọng.
Theo đó, TP cần tập trung xét nghiệm nhanh, xét nghiệm sớm, không để các ổ dịch lan rộng trong cộng đồng; linh hoạt duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ bao phủ mũi 2 vắc xin phòng Covid-19 cho người dân để tạo miễn dịch cộng đồng.
Ông cũng lưu ý, TP phải chủ động đánh giá nguy cơ, giao Sở Y tế và CDC xây dựng kế hoạch giám sát trọng điểm, tập trung vào những đối tượng ho, sốt trong cộng đồng; đối tượng nguy cơ cao và khu vực có nguy cơ cao (ổ dịch cũ, các khu công nghiệp). Kế hoạch này cần thực hiện và đánh giá 2 tuần 1 lần.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam thì cho rằng, đến thời điểm này, dịch bệnh tại Hà Nội không bùng phát lên đã là một thành công.
Tuy nhiên, để trở về “Zero Covid” là rất khó, bởi dịch còn lẩn khuất trong cộng đồng; đã xâm nhập vào các chuỗi như lái xe, shipper… Hơn nữa, tình hình dịch trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp.
PGS Phu nhấn mạnh, sau khi tiêm 1 mũi vắc xin thì miễn dịch còn kém, tiêm đủ 2 mũi mới đủ miễn dịch, nhưng cũng chỉ giảm lây nhiễm, giảm nguy cơ trở nặng chứ không đảm bảo việc hoàn toàn không lây nhiễm. Khả năng truyền bệnh giữa người tiêm và chưa tiêm giống nhau, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm cho trẻ em, người già, người có bệnh nền,...