Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 348.059 ca mắc COVID-19, đứng thứ 68/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.540 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 343.972 ca, trong đó có 144.893 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 08/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng, Yên Bái, Hà Giang.
+ Có 02 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Thái Bình.
+ 05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (175.994), Bình Dương (70.242), Long An (17.805), Đồng Nai (17.688), Tiền Giang (7.284).
Tình hình điều bệnh nhân COVID-19
- 7.580 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 22/8. Tổng số ca được điều trị khỏi: 147.667 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 687 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 24 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 22/8 là 8.277 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 181.660 xét nghiệm cho 720.341 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 9.450.525 mẫu cho 27.763.959 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19
Tổng số liều vaccine COVID-19 17.065.896 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 15.274.648 liều, tiêm mũi 2 là 1.791.248 liều.
TPHCM: Xét nghiệm nhanh toàn bộ người dân ở "vùng cam", "vùng đỏ"
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu đã ký văn bản khẩn gửi các đơn vị về việc điều chỉnh nội dung kế hoạch triển khai công tác xét nghiệm COVID-19 trên địa bàn.
Trong đó, TPHCM đã điều chỉnh việc xét nghiệm COVID-19 đối với tổ dân phố, tổ nhân dân có mức nguy cơ cao (vùng cam) và nguy cơ rất cao (vùng đỏ).
Những khu vực này sẽ được tiến hành xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn cho toàn bộ người dân.
Cụ thể, Trung tâm Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức phân công các đội xét nghiệm, mỗi đội phụ trách 4 tổ dân phố, tổ nhân dân. Các đội sẽ cấp phát sinh phẩm xét nghiệm đến từng hộ dân có khả năng tự thực hiện.
UBND TPHCM lưu ý, việc cấp test nhanh đến người dân cần có sự tham gia của tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, tổ nhân dân hoặc ban quản lý khu phố, ấp.
Đối với những hộ không thể tự làm xét nghiệm, đội xét nghiệm chịu trách nhiệm thực hiện và hướng dẫn người dân thực hiện cho các thành viên trong gia đình.
Sau 30 phút đến 60 phút, nhân viên các đội sẽ quay lại nhận kết quả từ người dân, lập danh sách kết quả các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và gửi về Trung tâm Y tế địa phương.
Đối với các F0 mới phát hiện, các địa phương xử lý theo đúng hướng dẫn ngành y tế với ca mắc Covid-19 đã xét nghiệm khẳng định.
UBND TPHCM yêu cầu, việc xét nghiệm cho toàn bộ người dân cần thực hiện từ ngày 23/8 đến ngày 25/8. Sau đó, các địa phương sẽ lặp lại xét nghiệm lần 2.
Trong quá trình triển khai, chính quyền các địa phương chuẩn bị đầy đủ công tác hậu cần phục vụ xét nghiệm (test nhanh, vật tư, hóa chất, đồ bảo hộ, găng tay, khẩu trang...).
Bệnh nhân đầu tiên điều trị tại Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19, BV Việt Đức ra viện
Sau 10 ngày tiếp nhận bệnh nhân COVID-19, tại Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 BV Việt Đức được thiết lập tại BV dã chiến số 13 (TP HCM) đã có trường hợp tiên được ra viện chiều 22/8.
TS. BS Lưu Quang Thùy - Phó Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 BV Việt Đức cho biết, bệnh nhân đầu tiên được xuất viện là nữ 34 tuổi, khỏi bệnh sau 7 ngày được đưa đến điều trị.
Tại thời điểm xuất viện, sức khỏe của bệnh nhân ổn định, không có các triệu chứng lâm sàng như: sốt, ho, khó thở; chụp X-quang phổi bình thường; các xét nghiệm chức năng gan, thận bình thường, xét nghiệm COVID-19 hai lần âm tính liên tiếp (24-48h). Sau khi ra viện bệnh nhân sẽ tiếp tục cách ly tại nhà thêm 14 ngày theo quy định, theo dõi thân nhiệt và sẽ được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần.
Tính đến thời điểm hiện tại (sau 10 ngày nhận bệnh nhân COVID-19 đầu tiên), Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 trực thuộc BV Việt Đức đang điều trị cho hơn 200 bệnh nhân, trong đó có 20-30 bệnh nhân hết triệu chứng, đang làm xét nghiệm PCR đánh giá, nếu đủ tiêu chuẩn sẽ cho xuất viện về cách ly tại nhà.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục điều trị hết sức mình để có thêm nhiều bệnh nhân sớm được ra viện khi đủ tiêu chuẩn"- TS Luu Quang Thùy cho biết thêm.
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới từ đầu dịch tới nay đã là trên 212,5 triệu ca, trong đó trên 4,44 triệu ca tử vong
Đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 189,97 triệu bệnh nhân đã bình phục và vẫn còn hơn 17,94 triệu người đang được điều trị.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Iran (36.419 ca), Anh (32.253 ca) và Mỹ (trên 27.400 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (1.030 ca), Mexico (847 ca) và Nga (762 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới với 38,5 triệu ca mắc, trong đó có 645.045 ca tử vong. Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong với 574.524 ca trong tổng số 20,5 triệu ca nhiễm. Với 434.784 ca tử vong trong tổng số 32,4 triệu ca nhiễm, Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm và thứ ba về số ca tử vong.