Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Phó khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), cho biết trong chế độ ăn uống hàng ngày, rau, củ, quả có vai trò đặc biệt quan trọng. Chúng cung cấp nhiều vitamin, các chất pectin và axit hữu cơ.
Các thao tác để sơ chế, chế biến rất quan trọng. Nhưng một số thói quen của người dân đã làm hao mòn các vitamin, chất xơ có trong rau củ. Đồng thời, sức khỏe người ăn cũng bị ảnh hưởng.
Theo bác sĩ Đào, chúng ta nên có các quy trình nhất định. Đầu tiên, chúng ta cần loại bỏ những phần hỏng, héo, úa… Với dụng cụ, chúng ta cần đảm bảo chúng được sạch sẽ, bao gồm nguồn nước, rổ đựng, chậu, thậm chí cả bàn tay. Vì khi tay bẩn đụng vào rau đã rửa, chúng sẽ nhiễm khuẩn.
Để rau sạch, người dân có thể xả dưới vòi nước sạch hoặc ngâm trong nước muối pha loãng. Một số người thường dùng các sản phẩm được khuyến cáo trên thị trường để giảm thuốc trừ sâu và hóa chất độc hại trong rau củ quả.
Chuyên gia này khuyên người dân nên rửa rau củ bằng nước thường, sau đó ngâm lại với nước muối pha loãng. Cuối cùng, chúng ta rửa lại bằng nước sạch và để khô.
Muối có tính sát trùng, giúp rửa sạch phần bẩn của rau củ. Tuy nhiên, ngâm nước sẽ có sự thẩm thấu vào rau củ. Việc ngâm quá lâu sẽ làm tăng độ úa của các loại lá.
“Trong một chậu nước khoảng 10 lít, bạn chỉ nên cho khoảng 5 gam muối để ngâm trong khoảng 5 đến 10 phút. Sau đó, bạn xả lại bằng nước sạch nhằm giảm tối đa lượng muối trong rau củ quả. Điều này giúp đảm bảo rau củ quả không bị thẩm thấu nồng độ muối quá cao”, bác sĩ Đào cho hay.
Đồng thời, chúng ta chỉ nên ngâm muối với những sản phẩm dùng ngay và không nên để quá lâu.
Theo bác sĩ Đào, nhiều người ngâm rau củ trong nước muối rất cảm tính, làm theo thói quen… Điển hình là việc bốc cả nắm muối cho vào chậu nhỏ ít nước rồi ngâm rau. Họ thường nghĩ rằng càng đậm đặc càng tốt, sau đó, vớt rau ra ăn hoặc chế biến luôn.
Đây là một sai lầm rất nhiều người đang gặp phải, vô tình khiến lượng muối đưa vào cơ thể nhiều hơn - nguyên nhân dẫn các nhiều bệnh lý không lây nhiễm như huyết áp, tim mạch.