Bệnh viện Bạch Mai mới đây tiếp nhận một nữ bệnh nhân 47 tuổi, ở Sơn La trong tình trạng mệt mỏi, vàng da, suy gan, xơ gan nặng. Theo gia đình, khoảng 3 tháng nay, nữ bệnh nhân có sử dụng một loại TPCN để giảm cân, đây cũng là lời cảnh báo cho nhiều chị em phụ nữ.
Năm 2014, chị Q, ở Hà Nội bị bệnh lupus ban đỏ hệ thống 2 năm. Mặc dù đi chữa trị ở nhiều nơi với các loại thuốc khác nhau nhưng vẫn không khỏi. Sau khi nghe quảng cáo về một loại TPCN có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh, chị Q vội vã mua về dùng thử. Chỉ sau một ngày uống chị đã thấy xuất hiện ban đỏ nhiều hơn, ngứa và bong tróc da toàn thân. Cho dù đã ngừng uống ngay TPCN nhưng ban đỏ vẫn tiếp tục lan rộng ra toàn thân, kèm theo triệu chứng đau nhức, mệt mỏi…
Đến khám tại Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng (BV Bạch Mai), các bác sĩ kết luận chị Q bị dị ứng nặng, nguyên nhân do cơ thể phản ứng với một số thành phần có trong TPCN mà chị uống trước đó.
Trường hợp khác của chị Nguyễn Thị Xuân (Võ Thị Sáu, Hà Nội). Năm 2015, chị bắt đầu nhận thấy cơ thể có nhiều dấu hiệu lão hóa của tuổi già như nếp nhăn, tóc bạc, sức khỏe yếu nên tìm uống TPCN.
Chị uống cùng lúc rất nhiều loại omega 3, collagen, Q10, vitamin E, sữa ong chúa... Mỗi bữa sáng, trưa, tối từ 3-5 viên các loại. Sau một thời gian sử dụng, được các bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm độc gan, rối loạn trao đổi chất, phì mô mỡ...
Hiện nay đại bộ phận người tiêu dùng Việt chưa hiểu rõ về công dụng của TPCN, dẫn tới lạm dụng như một loại thuốc, có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
Không được coi là thuốc nhưng TPCN cũng có khả năng gây các phản ứng dị ứng cho người dùng từ nhẹ đến nặng, thậm chí sốc phản vệ, nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu muốn sử dụng TPCN hãy xin ý kiến tư vấn của bác sĩ, lựa chọn loại phù hợp, tránh xảy ra tác dụng phụ không mong muốn.