Ra tay sát hại vì ghen
Chỉ trong thời gian ngắn gần đây xảy ra liên tiếp những vụ án án mạng từ ghen tuông tình ái bất chấp pháp luật cũng như hậu quả đối với bản thân nạn nhân và xã hội. Nhiều vụ án mạng có tính chất man dợ như: Chém đứt hai tay của vợ vì ghen, giết người tình chở xác tới công an để đầu thú…
Có thể nhận thấy những mâu thuẫn tình cảm hiện ngày càng phức tạp. Các vụ án này đã gây hoang mang trong dư luận và để lại nhiều hậu quả tiêu cực với trật tự xã hội. Như gần nhất là vụ án giết bạn gái cũ, chém tình địch xảy ra tại một tiệm tóc ở địa bàn tỉnh Bắc Ninh vì cuồng ghen khiến người xem ớn lạnh. Cô gái trẻ 19 tuổi đã phải chết đau đớn, tức tưởi sau khi bị bạn trai cũ cùng tuổi đâm chém nhiều nhát bằng xẻng, bằng dao. Người bạn trai hiện tại của cô cũng bị thương nặng.
Vài ngày trước đó, cô gái trẻ 26 tuổi ở Hải Dương cũng đã bị bạn trai dùng dao bầu đâm liên tục vào người và tử vong tại chỗ. Trước đó, hai người có quan hệ tình cảm và cách đây gần một tháng, cô đã tìm mọi cách tránh mặt khi thường xuyên xảy ra mâu thuẫn.
Theo PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống - Đại học Quốc gia Hà Nội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ án do tình ái, ghen tuông. Trong các loại mâu thuẫn xảy ra trong đời sống, mâu thuẫn tình cảm thường dẫn tới các hành vi quyết liệt. Cũng chính vì vậy mà tính chất vụ án rất nghiêm trọng.
Thường những mâu thuẫn tình cảm tích tụ nhiều trạng thái tâm lý như nhục nhã, cay cú, thất vọng, ích kỷ, uất ức… cùng sự tác động từ các yếu tố khác như sự kích thích từ bên ngoài, căng thẳng, áp lực… Bởi vậy mà nhiều trường hợp đối tượng phạm tội do sự kích động, cay cú, hận thù… hành động mất kiểm soát hành vi, quyết liệt phạm tội tới cùng nên hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương – Thường trực Thư viện lưu trú (Hội Bảo vệ quyền Trẻ em Việt Nam) cho rằng, nguyên nhân trực tiếp dẫn tới án mạng tình ái là do cách hành xử khi chia tay làm cho một trong hai thấy không thỏa mãn. Sự không khéo léo trong việc chia tay, đổ lỗi cho đối phương vì thế này, thế khác…thậm chí còn đi với người khác trước mặt làm cho người bị chia tay khó chịu, cay cú. Những hành động đó như chất "kích thích", làm cho họ không kiềm chế được cảm xúc.
Sâu xa hơn chính là bản thân nội tại của người gây ra án mạng, chính bản thân họ thường có vấn đề. Họ không biết cách giải tỏa cảm xúc tiêu cực ra. Những cảm xúc tiêu cực tích lũy dồn nén lại, đến một ngày bùng phát lên sẽ rất khó kiểm soát và nguy hiểm giống như "nồi áp suất" vậy. Khi đó, họ sẽ không còn nghe được những tiếng van cầu xung quanh.
"Câu chuyện của quản lý cảm xúc là phải quan sát chính bản thân mình, xem cơn tức giận, ngưỡng an của mình thế nào. Để làm điều đó cần có cuốn sổ ghi chép lại như mình đang cảm thấy thế nào, làm thế nào để mình vui hơn, mình tốt hơn…Việc không quen đặt câu hỏi trước khi hành động, cứ để rác lớn lên dần theo thời gian là bước đệm để nảy sinh các xung đột. Họ đau mà không thể chịu đựng được nữa, không biết giải tỏa nên nhiều người sau khi gây án đã tự tử" – chuyên gia tâm lý Hồng Hương nhấn mạnh.
Cảm xúc không tốt đẹp như một loại "rác tâm lý". Giống như rác mà không đem đổ ngay mà tích tụ lại sẽ tạo thành một khí không thể ngửi được. Bởi vậy nguyên tắc khi nhận thấy có cảm xúc không tốt trong người cần tìm cách giải tỏa ngay. Ngoài ra, một phần nguyên nhân dẫn tới những vụ án mạng tình ái xảy ra ngày càng nhiều ở người ít tuổi là sự cô đơn, thiếu hụt, khiếm khuyết ngay từ bé. Khi mà còn nhỏ không được quan tâm đời sống tinh thần, dẫn dắt vượt qua xúc cảm tiêu cực. Bởi vậy sự quan tâm của gia đình là điều rất quan trọng
Để tránh những hệ lụy đau lòng
Theo các chuyên gia, các hành vi bất hợp tác, nhục mạ, thách thức, kích động… luôn tiềm ẩn những hậu quả khôn lường. Phần đa vụ phạm tội mang tính bộc phát nhất thời. Bởi vậy khi vướng phải chuyện tình cảm mà ở đó chưa rõ ràng, cần biết kiềm chế cái tôi để ứng xử cho đúng mực, tránh rơi vào trạng thái bộc phát mà gây ra hậu quả cho người khác cũng như bản thân. Cần nhớ mọi vấn đề đều có cách và tìm cách giải quyết theo hướng tích cực là tốt nhất.
Ngoài ra, có một yếu tố rất quan trọng đó là từ phía nạn nhân. Không ít vụ án nghiêm trọng có một phần nguyên nhân do nạn nhân thiếu kiềm chế, kích động, thách thức, nhục mạ, không có thiện chí hoặc sử dụng bạo lực trong giải quyết mâu thuẫn. Điều này thúc dễ thúc đẩy đối tượng ra tay thực hiện hành vi phạm tội. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, họ lo sợ, ân hận…
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương nhấn mạnh, để tránh những án mạng đau lòng vì tình ái điều quan trọng là học cách hành xử khi chia tay. Ảnh PT
Để tránh những sự việc đau lòng, chuyên gia tâm lý Hồng Hương nhấn mạnh cần phải thực hiện một số giải pháp sau:
+ Cần chú ý và đưa những vấn đề tâm lý, giáo dục sức khỏe tinh thần không chỉ cho các bạn trẻ mà tới các bậc phụ huynh. Điều này giúp cho cha mẹ biết cách dẫn dắt, nâng đỡ để khi con gặp những điều không như ý cuộc sống biết làm bạn cùng con vượt qua.
+ Hiện nhiều bạn trẻ sai mà không biết mình đang sai. Và có thể thấy chưa từng bao giờ thấy nhiều người đưa ra quan niệm về tình yêu lệch lạc như hiện nay. Ở nhiều vụ ngoại tình, không ít người đưa ra quan điểm lệch lạc "Ai được yêu mới là chính thất, người không được yêu nữa mới là tiểu tam. Họ lấy những lệch lạc đó biện minh cho cái sai của mình. Chính vì vậy việc dạy về tình yêu, giá trị sống cần quan tâm hơn
+ Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng cần quan tâm hơn bên cạnh giáo dục về giới tính cần giáo dục về giới.