Cha mất, mẹ qua đời, chồng bỏ, bệnh tật, một mình nuôi con
Chị Nguyễn Thị Hương, 30 tuổi, sinh ra trong một gia đình nghèo khó, hiếm muộn ở tỉnh Khánh Hòa. Cha mất khi chị mới 12 tuổi. Cách đây 4 năm, mẹ chị cũng qua đời.
Năm năm trước, chị lập gia đình. Cảnh nghèo khó, cùng cực đeo bám khiến vợ chồng chị quyết tâm vào Sài Gòn làm thuê kiếm sống. Vì không biết chữ, không có công ty nào nhận, chị ngậm ngùi theo chồng đi phụ hồ.
Sau đó, chị có thai và sinh ra bé Phan Ngọc Trinh. Sau khi sinh, hai chân chị bắt đầu tê mỏi. Vẫn nghĩ triệu chứng bình thường của phụ nữ sau sinh nên chị chủ quan không đi khám mà cũng không uống thuốc vì đang cho con bú, sợ ảnh hưởng đến con. Đến khi không thể đứng vững trên đôi chân của mình, đi khám, chị mới điếng người nhận kết quả: ung thư tủy.
Kể từ ngày chị phát bệnh, người chồng đâm ra thờ ơ, ghẻ lạnh người vợ đau yếu. Anh bỏ mẹ con chị đi biệt tích khi con gái chỉ mới 6 tháng tuổi. Hai tháng đầu, anh vẫn gửi về cho chị mỗi tháng 2 triệu đồng để nuôi con. Nhưng đến tháng thứ 3, chồng chị bỗng bặt vô âm tín, cũng không gửi cho mẹ con chị lấy một đồng. Điện thoại khắp nơi tìm kiếm nhưng không ai biết chồng chị đã đi đâu.
Tủi cực phận mình bệnh tật, con nhỏ không còn được cha ngó ngàng, tiền tích cóp cạn dần, muốn trở về quê hương nhưng cũng không còn ai thân thích, chị ôm con đến nương nhờ tại một đại lý bán vé số. Ngày qua ngày, trên đôi chân tật nguyền, chị và con gái nhỏ đi bán vé số mưu sinh.
“Trước đây, tôi cũng được một hội từ thiện trao tặng chiếc xe lăn làm phương tiện đi lại. Nhưng được một thời gian thì bị bọn nghiện ngập, chích hút trộm mất. Hàng ngày, tôi cứ lết đôi chân tàn tật cùng con gái đi khắp ngõ hẽm rao bán vé số.
Hôm bán được nhiều cũng được 100 tờ, được 100 nghìn đồng. Nhiều người thương tình còn cho vài nghìn đến vài chục nghìn tiền lẻ, đủ để hai mẹ con ăn qua ngày”, chị Hương trải lòng về cảnh đời kiếm sống nhờ những xấp vé số trên tay với phóng viên Em Đẹp.
Mong chân mẹ khỏe lại để chạy thật nhanh khi trời đổ mưa…
Cuộc sống vẫn rất công bằng theo cách này hay cách khác. Bị chồng bỏ rơi, sống với đôi chân tật nguyền và căn bệnh quái ác nhưng chị Hương vẫn có con gái 4 tuổi kháu khỉnh, đáng yêu bên đời.
Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, khuôn mặt thơ ngây cùng nụ cười hồn nhiên, giọng nói lanh lảnh có chút nài nỉ của bé Trinh không khỏi làm vị khách đi đường chú ý: “Cô ơi, mua giúp mẹ con con tờ vé số đi cô!”.
Thấy em bé nhỏ xíu đã lang thang ngoài đường, vị khách ngạc nhiên hỏi:“Cha mẹ con đâu?”. Bé nhanh nhảu chỉ tay về phía chị Hương: “Con không có cha. Mẹ con ngồi ở kia. Mẹ con bị liệt nên không đi được”.
Lại thấy sợi dây trên tay bé, vị khách tiếp lời: “Tay con làm sao mà bị cột dây?”. Bé Trinh hồn nhiên đáp: “Mẹ con nói để hai mẹ con không bị lạc. Một đầu sợi dây cột tay con, đầu kia cột tay mẹ”. Lí lắc trả lời khách xong, Trinh lại mời khách mua vé số.
Đó là cách mà chị Hương đã nghĩ ra để hai mẹ con không bị lạc giữa phố phường Sài thành đông đúc. Một đầu dây buộc tay mẹ, đầu kia buộc tay con để đi đâu hai mẹ con cũng có nhau.
Mẹ Hương lê một quãng đường dài thì bé Trinh cũng đi thêm vài bước. Vừa đi, cô bé vừa cất tiếng rao lanh lảnh thay mẹ mời mọi người mua vé số. Người đi đường không khỏi rơi nước mắt trước tình mẫu tử thiêng liêng của hai mẹ con chị Hương.
Phó thác cho số phận
Không như những đứa trẻ khác, Trinh ít khi đòi mẹ mua quà. Khi được hỏi em ước điều gì, cô bé nhìn mẹ rồi cười hồn nhiên: “Con ước đôi chân mẹ khỏe mạnh để có thể đi lại, để bồng bế con, để chạy thật nhanh khi trời đổ cơn mưa. Mẹ không đi được, những lúc trời đổ mưa hai mẹ con đều ướt hết. Con thương mẹ lắm nhưng con còn nhỏ, không bế mẹ được”.
Kể về bệnh tình của mình, chị Hương tâm sự, vì con gái, chị đã nghị lực chống chọi với căn bệnh hơn 3 năm nay. Bác sĩ chỉ định chị phải hút tủy hoặc phẫu thuật cắt bỏ hai chân để duy trì sự sống. Một năm trước, một số nhà hảo tâm hỗ trợ 12 triệu đồng, chị đã đi hút tủy một lần. Nhưng đến khi số tiền cạn kiệt, chị đành phó thác cho số phận.
Chiều muộn, hai mẹ con bé Trinh vẫn đi cùng nhau trên khắp các con đường ở quận 8 (TP.HCM). "Mặt trời bé con" vẫn dõng dạc tiếng rao thay người mẹ đau yếu nhưng kiên cường: “Cô chú mua giúp giùm mẹ con con tờ vé số đi cô chú!”.