Chiều 6/4, tại ngôi nhà của nạn nhân Phạm Thị Bê (65 tuổi, ở đường Cô Bắc, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), một trong số nạn nhân tử vong trong vụ rơi máy trực thăng Bell-505 khá đông hàng xóm đến chia buồn cùng chồng và các con bà.
Dáng gầy gò, khuôn mặt hốc hác, mắt đỏ hoe, ông Huỳnh Tý (chồng bà Bê) ngồi bên vỉa hè phía đối diện nhà được người em ruột chăm sóc, an ủi trước nỗi đau quá lớn.
Ông Tý kể, trước đây mấy ngày bà Bê lên kế hoạch đi du lịch vịnh Hạ Long với gia đình người bạn trong nhóm và thuyết phục chồng cùng đi. Ông Tý ngăn cản, bảo đợi năm sau ông khỏe thì vợ chồng sẽ đi.
“Tôi bị mắc COVID-19 từ đợt dịch, sức yếu nên không đi du lịch được. Bà ấy nói đi một chuyến cho biết vịnh Hạ Long vì nghe nói đẹp lắm chứ cũng lớn tuổi rồi, biết khi nào mới đi được”, ông Tý kể.
Theo ông Tý, sáng 5/4 bà Bê đi thì đến chiều tối gia đình nhận hung tin bà gặp nạn khi chiếc trực thăng rơi. “Tôi nghĩ mình không đi được cùng thì để bả đi một lần cho biết vịnh Hạ Long, không ngờ lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng bà ấy đến đó. 2 con trai tôi đã bay ra ngoài ấy rồi, tôi yếu quá, không thể ra đón bà về được”, ông Tý nghẹn ngào.
Ngồi bên cạnh, em ruột của ông Tý cho biết thêm, vợ chồng ông vốn buôn bán phụ tùng ô tô ở cửa hàng gần nhà. Mấy năm gần đây do đã lớn tuổi nên họ bàn giao việc buôn bán lại cho các con. “Chị dâu tôi mới gọi gọi điện bảo chị đi du lịch mấy hôm rồi về mà bây giờ chị ấy đã đi mãi rồi", em ông Tý kể.
Cũng theo người nhà ông Tý, hiện xe ô tô chở 4 thi thể người gặp nạn, trong đó có bà Bê đã xuất phát, trên đường về TP Đà Nẵng, dự kiến sáng 7/4 sẽ đến nơi.
Như VTC News đưa tin, ngày 5/4, máy bay trực thăng Bell-505, số hiệu VN-8650 do Đại tá Chu Quang Minh điều khiển, chở 4 khách du lịch Việt Nam ngắm cảnh vịnh Hạ Long, cất cánh lúc 16h56, mất liên lạc lúc 17h15.
Ngay khi máy bay mất tín hiệu, Công ty Trực thăng miền Bắc phối hợp với Bộ đội Biên phòng và lực lượng quân sự địa phương khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn.