Vào năm 2016, Emily, hiện 33 tuổi, được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD), một tình trạng liên quan đến hormone ít được biết đến nhưng lại có sức ảnh hưởng đáng kinh ngạc: Khoảng 1/20 số phụ nữ có kinh nguyệt trên toàn thế giới phải chịu đựng căn bệnh này.
Các triệu chứng của bệnh gồm: trầm cảm, lo lắng và dễ giận dữ, cũng như giảm động lực, sự tập trung và ham muốn tình dục. Khoảng 34% phụ nữ mắc PMDD đã cố gắng tự tử, theo Hiệp hội Quốc tế về Rối loạn Tiền kinh nguyệt (IAPMD).
Các triệu chứng của Emily bắt đầu khi cô có kinh nguyệt ở tuổi 13 nhưng phải đến năm 26 tuổi cô mới được chẩn đoán. Điều này không phải là hiếm -theo IAPMD, thời gian chờ đợi trung bình để được chẩn đoán là 12 năm. Emily đã dành 3 năm để điều trị bằng hormone. Đến năm 2019, cô được đề nghị cắt bỏ tử cung như là phương pháp cuối cùng.
Laura Murphy, một nhân viên của IAPMD, đã phải đợi 17 năm để được chẩn đoán PMDD. Cô mô tả căn bệnh này như "một trục trặc trong não gây ra phản ứng tiêu cực nghiêm trọng bất thường đối với những hormone dao động đó".
Các triệu chứng PMDD xảy ra trong giai đoạn thứ hai, hay giai đoạn hoàng thể, của chu kỳ kinh nguyệt - bắt đầu vào khoảng ngày thứ 15 trong chu kỳ 28 ngày, từ lúc rụng trứng đến khi bắt đầu có kinh.
Emily nói: "Tôi cảm thấy có động lực và có thể tập trung trong 5 hoặc 6 ngày. Sau đó, tôi bắt đầu rơi vào tình trạng thực sự mệt mỏi và lo lắng. Tôi không thể tập trung và cảm thấy thực sự thất vọng với bản thân. Khi tôi nhận được kết quả chẩn đoán, chúng tôi có thể xác định các mô hình hành vi khi tôi tự làm hại bản thân. Điều đó luôn diễn ra trước kỳ kinh của tôi vài ngày".
Mức độ nghiêm trọng của căn bệnh mà Emily trải qua là rất hiếm. "Đó là một chứng rối loạn quang phổ", Murphy nói. Những người mắc bệnh PMDD có nguy cơ tự tử vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời cao gấp 10 lần so với dân số nói chung.
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, thuốc chống trầm cảm SSRI có tác dụng với khoảng 60%-70% phụ nữ mắc PMDD ở nước này. Sau khi dùng thuốc, Laura Becker, 26 tuổi, đã nhận thấy các triệu chứng PMDD của mình được cải thiện.
Cô nói: "Tôi vẫn có các triệu chứng nhưng chúng không nghiêm trọng hoặc nặng nề như trước. Giờ đây, tôi có thể làm việc và hoạt động tương đối bình thường trong toàn bộ chu kỳ kinh nguyệt".
Các phương pháp điều trị khác bao gồm thuốc tránh thai kết hợp và phương pháp điều trị bằng hormone như chất chủ vận hormone giải phóng gonadotropin, giúp ức chế sản xuất estrogen và ngừng kinh, gây ra một quá trình gọi là mãn kinh hóa học.
Tuy nhiên, những phương pháp này có thể gây ra các triệu chứng như bốc hỏa, giảm ham muốn tình dục và thay đổi tâm trạng, sau đó có thể cần được điều trị bằng HRT.
Jasmine Gibson, một chủ doanh nghiệp ở Mỹ, ban đầu được chẩn đoán rối loạn lưỡng cực. Sau khi tìm thấy một số bài viết về PMDD trên mạng, cô đã trao đổi lại với bác sĩ điều trị cho mình: "Bác sĩ tâm thần của tôi không biết về PMDD và cô ấy không chắc chắn về việc chẩn đoán tôi mắc bệnh này. Nhưng khi tôi đến gặp bác sĩ phụ khoa và ghi lại các triệu chứng của mình, cô ấy đã hiểu ngay".
Vào năm 2019, PMDD được thêm vào sổ tay chẩn đoán của Tổ chức Y tế Thế giới. Tiến sĩ Audrey Henderson, nhà tâm lý học tiến hóa và nhà tâm lý học lâm sàng thực tập tại Đại học Edinburgh, cho rằng việc điều chỉnh trạng thái có thể có ích.
"Nếu bạn coi đó là một tình trạng sinh học mà bạn chắc chắn sẽ phải trải qua thì điều đó có thể thực sự đáng sợ. Tuy nhiên, nếu bạn coi đó là một phần của những biến động cảm xúc tự nhiên trong tháng, là khoảng thời gian bạn chấp nhận mọi thứ sẽ phải diễn ra một cách khác biệt, thì tình trạng có thể được cải thiện phần nào".