Theo SCMP, cô gái tên He Ying đến từ thành phố Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc, đã phát hiện ra mẹ mình nói chuyện với chiếc loa thông minh để chia sẻ cảm xúc của bà, rằng: "Nói chuyện với tôi đi. Tôi đang buồn lắm".
"Tôi không biết phải làm gì bây giờ", người mẹ bộc lộ cảm xúc thật của mình khi trò chuyện với chiếc loa.
Từ lâu, cô con gái đã biết mẹ mình có nhu cầu tình cảm, nhưng lịch sử cuộc trò chuyện từ thiết bị thông minh đã khiến cô bất ngờ.
He Ying cho biết cô mua chiếc loa này hai ngày sau khi mẹ chuyển từ quê nhà Thanh Hải đến Trùng Khánh để sống với con gái vào ngày 9/4. Một trong những lý do người mẹ nói chuyện với thiết bị thông minh là vì bà không hiểu phương ngữ Trùng Khánh.
Từ khi con gái và con trai đều trưởng thành, người mẹ bắt đầu cảm thấy có sự mất mát, không có người chia sẻ. He không kể cho mẹ về việc đã phát hiện cuộc trò chuyện của bà với loa thông minh, thay vào đó cô dành nhiều thời gian hơn bên mẹ.
He đã dạy mẹ chơi trò chơi điện tử để bà có thể giải trí khi ở nhà một mình. Cô cũng "giao" cho mẹ một số công việc như mua sắm trực tuyến và sắp xếp tủ quần áo để bà bớt cô đơn.
Nhiều câu chuyện về sự cô đơn của người lớn tuổi từng lan truyền, trở thành chủ đề bàn luận của cư dân mạng Trung Quốc.
Ngày 27/2, một người đàn ông họ Zhang (84 tuổi), sống một mình ở miền đông Trung Quốc, đã tổ chức một đám tang giả, bởi ông muốn biết liệu có ai quan tâm nếu mình chết hay không. Zhang tổ chức tang lễ cho chính mình tại ngôi làng ở tỉnh An Huy.
Vào buổi sáng của lễ tang, hơn 100 người dân địa phương đã tập trung tại nhà của Zhang, nơi ông đã chuẩn bị một bữa tiệc thịnh soạn như một lời cảm ơn vì sự giúp đỡ của họ.
Sau bữa ăn, tang lễ kéo dài 3 giờ đồng hồ bắt đầu với cảnh Zhang ngồi trên quan tài màu đỏ đặt phía sau chiếc xe tải đang di chuyển. Ông vẫy tay chào những người mà ông đi ngang qua trong làng. Một nhóm người dân địa phương lái xe ba bánh và xe máy chạy theo phía sau thành đám rước.
Sự kiện bất thường được quay video lại và lan truyền trên mạng xã hội.
"Ông ấy nói rằng muốn xem quang cảnh đám tang của mình trước khi qua đời", một trong những dân làng tham gia kế hoạch tổ chức đám tang giả nói với Jimu News.
Zhang cho biết kể từ khi các con trưởng thành chuyển đi xa, rồi vợ qua đời hai năm trước, ông sống một mình và thường cảm thấy cô đơn. Đám tang dường như là một cách giúp ông tìm niềm vui.
Tang lễ tiêu tốn của Zhang gần 20.000 nhân dân tệ (2.900 USD), nhưng ông nói rằng nó đáng giá và ông đã tận hưởng nó.
Người dân địa phương cho biết mặc dù đám tang sống là bất thường, họ nghĩ ý tưởng của Zhang là tích cực và cảm thấy đồng cảm với ông.
Nhiều người lớn tuổi cô đơn cũng đang tìm kiếm tình yêu qua mạng hoặc chương trình truyền hình, trong bối cảnh xã hội dần cởi mở hơn với tình yêu của lớp người này.
Liu Zongshan, người mai mối ở tỉnh Sơn Đông, cho biết ý tưởng người già độc thân theo đuổi chuyện tình cảm đang nhận được sự ủng hộ từ công chúng, đặc biệt là con cái của họ.
Đằng sau sự bùng nổ của các dịch vụ hẹn hò dành cho người cao tuổi là thực trạng số người già ở Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng. Theo điều tra dân số quốc gia lần thứ 7 được thực hiện vào năm 2020, 19% dân số Trung Quốc trên 60 tuổi. Năm 2010, con số đó là 13,3%.
Các chương trình hẹn hò trên truyền hình hướng đến đối tượng trung niên cũng trở nên phổ biến trong năm qua. Những show này thu hút người xem bởi các khách mời thường thẳng thắn, bộc trực và đưa ra nhiều bình luận sắc sảo nhưng không kém phần hài hước.