Được kỳ vọng là một trong những phim Việt hấp dẫn nhất năm nay, "Thất Sơn Tâm Linh" hay còn được gọi với tên cũ là "Thiên Linh Cái" lại đem đến không ít thất vọng. Có thể nói, phim là một tổ hợp lộn xộn giữa hơi hướng kinh dị và trinh thám. Nửa đầu, phim đem đến một kịch bản dài dòng và thừa thãi, không có một điểm nhấn ấn tượng khiến khán giả không khỏi hoang mang về nội dung thật sự mà phim muốn truyền tải. Sự can thiệp của ải kiểm duyệt khiến nửa đầu mất hoàn toàn tính kinh dị mà thay vào đó là hình ảnh vùng quê sông nước hiện lên rất bình yên.
Sự lược bỏ khiến phim mất đi khá nhiều khiến cho diễn biến phim cứ chưng hững, chẳng ai hiểu những tình tiết như “nồi lẩu đầu người” hiện lên để làm gì, hay vô vàn các tiểu tiết khác. "Thiên Linh Cái" nhưng suốt phim chỉ thấy giết người, chẳng thấy “nhân vật chính” ở đâu. Rõ ràng nếu có ai đó hy vọng xem phim để sợ hãi, e ấp vào lòng người yêu thì có lẽ "Thất Sơn Tâm Linh" là một lựa chọn không được sáng suốt lắm, vì suốt bộ phim yếu tố kinh dị xuất hiện cực kỳ mờ nhạt. Đến giữa phim, người xem sẽ được tận hưởng cảm giác không biết là thực hay mơ bởi lẽ hình ảnh hiện lên mờ mờ ảo ảo, thậm chí có cảnh còn trở nên tối sẫm lại một cách không cần thiết.
Hơn nữa, bé Thanh Mỹ vốn được cho là một trong những nhân tố gây hấp dẫn cho phim lại hiện lên một cách cực kỳ thừa thãi. Xuất hiện trên poster với một hình ảnh không kém phần kinh dị nhưng trong phim Thanh Mỹ chỉ là cô bé bán vé số, bạn thân của Sỏi mà nếu ai không để ý có khi còn chẳng kịp nhớ đến sự xuất hiện của Thanh Mỹ.
Rõ ràng sau ngày công chiếu đầu tiên, phim nhận được vô vàn ý kiến trái nhiều nhưng có lẽ chi tiết khiến bộ phim trở nên rất cảm động đó là hình ảnh bố của Sỏi.
Cuộc đời dù khó khăn đến đâu cũng sẽ có bố luôn chờ con trở về
Có lẽ các ông bố sẽ luôn có một điểm chung là không biết cách thể hiện tình cảm của mình, đôi lúc lại chẳng biết suy nghĩ mà dẫn đến vô tâm. Nhưng rồi sau tất cả, tình yêu của bố chính là khoảng trời rộng lớn nhất, là cánh cửa hất tung mọi lưỡi dao đang hướng về con.
Nửa đầu của phim, bố Sỏi cũng hiện lên với hình ảnh như thế. Ông là người suốt ngày rượu chè bê tha, chẳng màng tới con gái. Ông cố gắng tống cô con gái đi khỏi nhà bằng cách đưa Sỏi vào làm người phụ việc cho thầy Huỳnh. Thậm chí khi Sỏi được hỏi cưới ông mừng rỡ gả đi không chút do dự.
Thế nhưng nhìn cái cách bố Sỏi vụng về đem nải chuối, miếng thanh long đi thăm con mà lòng tôi thắt lại. Tôi thấy mình trong hình ảnh Sỏi khi ngồi nói chuyện với bố. Là lời nói dối vụng về “Bố ơi con sống tốt lắm”, là khi bảo bố đừng lo nhưng từng giọt nước mắt lại lăn dài trên đôi má. Bố biết cả nhưng lúc ấy, ông già yếu đuối như bố Sỏi thì đành làm được gì.
Hệt như ông Sơn trong “Về nhà đi con”, có lẽ cảm xúc chung của hai người cha vĩ đại màn ảnh Việt là nỗi bất lực và xót xa. Xót xa khi đứa con gái của mình giờ đây bị kẻ chung chăn chung gối làm tổn thương, xót xa khi thấy con khóc mà vờ như không thấy, xót xa khi đứa con gái bé bỏng ngoan hiền khi nào giờ lại nói dối là “con không sao”, và hơn tất cả là bất lực cho thân xác già yếu chẳng thể làm gì hơn.
Nhưng rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến, Sỏi chạy ùa về trong sợ hãi, về với vòng tay bố, về để trở lại là đứa trẻ nhỏ yếu đuối cần được chở che. Quả thật bố chẳng phải siêu nhân nhưng giờ đây vì con, bố trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và rồi nhân vật tưởng chừng chẳng có chút giá trị nào trong phim như bố Sỏi lại là yếu tố quyết định giúp thống trị kẻ ác hơn bao giờ hết.
Có thể nói “Thất Sơn Tâm Linh” được ra mắt sau năm lần bảy lượt hoãn chiếu là một cố gắng của đoàn làm phim, cũng chính vì thế niềm hy vọng mà khán giả đặt vào bộ phim là khá lớn, khiến ai nấy xem phim xong đều có cảm giác thất vọng. Dù vậy, không nên quá đặt nặng vào những hạt sạn mà bỏ qua giá trị thực của phim, và một trong những phần đắt giá của phim là bài học về bố: “Dù cho ngoài kia có phong ba bão tố thế nào, quay đầu nhìn lại, vẫn thấy bố đang ở đây.”