Nội dung bài viết:
Nguyên tắc khi dạy màu sắc cho bé
Cha mẹ chắc sẽ thắc mắc trẻ mấy tuổi nhận biết màu sắc được? Trong vài tháng đầu đời trẻ đã hay chú ý tới những màu tương phản như đỏ, đen. Khoảng 18 tháng tuổi trẻ biết phân biệt các màu khác nhau nhưng chưa gọi tên được màu sắc.
Thường từ 3 tuổi – bắt đầu tuổi mẫu giáo, trẻ mới gọi tên được màu đỏ, màu xanh. Tới 3 tuổi rưỡi – 4 tuổi trẻ mới nhận biết và phân biệt được nhiều màu hơn.
Nếu chúng ta dạy con màu sắc quá sớm so với khả năng nhận biết của con thì con chưa thể gọi đúng tên màu sắc được, nhưng cũng không nên đợi cho trẻ đủ khôn lớn mới dạy màu sắc vì sẽ không khuyến khích trẻ quan sát, làm giảm khả năng nhạy bén và tinh tế của con.
Các bậc phụ huynh trước khi dạy trẻ nhận biết màu sắc cần nắm rõ ba nguyên tắc chính như sau:
- Thứ nhất, chúng ta dạy màu chính trước. Đó là các màu như: đỏ, đen, vàng, xanh da trời. Sau đó, dạy những màu phụ sau như xanh lá cây, da cam, tím...
- Thứ hai, lặp đi lặp lại các màu sắc, nhắc đi nhắc lại hàng ngày.
- Thứ ba, dạy từng màu riêng lẻ một cách chậm rãi để trẻ kịp tiếp thu.
Các phương pháp dạy trẻ nhận biết màu sắc
Cách dạy trẻ nhận biết màu sắc tốt nhất mà cũng khiến mẹ cảm thấy thoải mái là… không dạy gì cả. Nghĩa là bố mẹ đừng đặt nặng quá vấn đề dạy dỗ con thành “thần đồng” để được mọi người xung quanh khen ngợi bé và mẹ mà hãy tập trung vào việc mang lại niềm vui cho con trẻ, vừa học vừa chơi là cách hiệu quả giúp bé phân biệt được màu sắc.
Dạy bé thông qua những vật dụng hằng ngày
Thông qua những vật dụng hằng ngày như quần áo, khăn tắm, bát, thìa, cốc…đã trở thành giáo cụ trong việc dạy bé nhận biết các màu sắc cơ bản.
Ví dụ: Cho bé mặc một chiếc áo màu đỏ, nếu chiếc áo đó có hình quả bóng hoặc con vật ngộ nghĩnh thì sẽ giúp bé nhớ nhanh hơn. Chỉ vào cái áo và bảo bé đây là màu đỏ, màu đỏ, màu đỏ. Làm bé ghi nhớ sâu hơn bằng câu chuyện xung quanh chiếc áo màu đỏ đó.
Hai mẹ con có thể tự tạo ra câu chuyện cho chiếc áo như “Ôi trên áo của con có con khỉ đẹp quá, mắt nó mở to này, ngộ nghĩnh quá nhỉ”. Hôm sau, mẹ có thể sai bé đi lấy chiếc áo màu đỏ có hình con khỉ. Đừng nản lòng nếu lúc đầu bé tìm sai, hãy kiên nhẫn với bé. Nếu bé không có hứng thú, mẹ nên dừng lại và lựa lúc bé vui mới dạy tiếp.
Bạn nên trò chuyện với con về mọi thứ xung quanh kèm theo tính từ chỉ màu sắc để bé dần học. Mẹ có thể nói những câu hằng ngày như “Hôm nay mẹ cho Bin mặc quần màu xanh lá cây nhé!” hoặc là “Mẹ có áo màu hồng, quần màu đen, con thấy mẹ xinh không nào?”… Dần dần bé sẽ nhập tâm tự nhiên và phân biệt được màu sắc.
Dạy màu sắc qua món ăn
Hãy chú ý những món ăn và loại hoa quả mà trẻ thích. Khi cho bé ăn hãy chỉ cho bé biết quả đó màu gì. Những lúc nói chuyện với với bé, hãy gợi lại ký ức về những món ăn và hoa quả bé thích. Các loại hoa quả thông dụng bạn có thể cho bé ăn và dạy bé như dưa hấu, chuối, xoài, đu đủ, bơ…
Dạy bé qua trò chơi “Mỗi tuần một màu sắc”
Sau khi đã dạy tổng quát nhiều màu, để trẻ nhớ lâu cha mẹ nên chuyển sang giai đoạn dạy kỹ từng màu. Suốt một tuần, cha mẹ hãy để con tiếp xúc với duy nhất một màu và ghi nhớ nó. Hãy nhớ nói chậm rãi để trẻ kịp tiếp thu và ghi nhớ.
Ví dụ tất xanh, quần xanh, quần xanh, nón xanh… hết tuần, màu xanh sẽ được khắc trong não của con. Mẹ có thể nói những câu so sánh như "chiếc cốc màu đỏ giống cái áo màu đỏ con đang mặc này", hoặc là "con uống nước màu cam trong ly màu cam nhé!". Tương tự sau đó bố mẹ chuyển sang những “tuần màu” khác để con không cảm thấy nhàm chán.
Tô màu cùng nhau
Dù bận rộn đến đâu cũng hãy dành một ít thời gian mỗi ngày để chơi cùng con. Tô màu là ý tưởng hay để vừa chơi vừa kết hợp cho bé học nhận biết màu sắc cơ bản. Hãy chọn 4 – 6 màu cơ bản, khi tô hãy giải thích cho con biết đó là màu gì.
Bạn cũng có thể kết hợp với trò cắt dán để bé không cảm thấy nhàm chán. Đặt tay bé lên tờ giấy màu và dùng bút viền xung quanh, sau đó dùng kéo cắt thành từng bàn tay riêng biệt và dán lên tường. Từ đó, bé sẽ có ấn tượng với màu sắc đó và ghi nhớ chúng nhanh hơn.
Phân biệt màu sắc qua tranh ảnh
Bạn cần dán tranh màu sắc lên tường. Nên sử dụng những bức tranh đơn sắc. Vài ba ngày lại dạy trẻ một đồ vật, con vật có màu sắc riêng. Bạn có thể kết hợp việc dạy màu sắc với kể chuyện. Trẻ con rất thích được nghe kể chuyện vì tính tò mò và hiếu động. Mỗi bức tranh hãy kể cho trẻ một câu chuyện để trẻ có thể ghi nhớ lâu hơn, xâu chuỗi những thông tin về màu sắc tốt hơn.
Trò chơi “thám tử” tìm đồ
Sử dụng các trò chơi và hoạt động vui chơi khác nhau có thể dạy con nhận biết màu sắc và giúp bé giữ lại thông tin hiệu quả hơn.
Bạn có thể cùng bé đua xem ai tìm được nhiều món đồ cùng màu hơn trong một đống đồ chơi. Hoặc bạn đưa ra một món đồ màu đỏ và bảo bé tìm món khác có màu đỏ trong phòng.
Khi bé đã nhớ thành thạo các màu sắc, bạn có thể “nâng cấp” độ khó của trò chơi lên.Từ đống đồ chơi hỗn hợp nhiều màu khác nhau, bạn cho bé nhặt đồ vật cùng màu vào hộp riêng, sau đó gọi tên màu.
Bất cứ đồ chơi màu sắc nào cũng có thể trở thành công cụ dạy màu sắc cho bé hiệu quả như khối lego, bong bóng bay, bóng nhựa... Bố mẹ đừng quên những phần thưởng hấp dẫn để khích lệ và cổ vũ tinh thần cho bé mỗi khi bé hoàn thành một thử thách.
Cuối cùng, bố mẹ chỉ cần lưu ý đến sở thích của con, thời điểm trẻ có thể phân biệt được màu sắc, chú ý giúp trẻ gọi tên chúng trong mọi hoạt động của trẻ mà bố mẹ có điều kiện tiếp xúc, phần còn lại, hãy để trẻ tự khám phá tùy thuộc vào khả năng của mỗi bé. Đừng ép bé, khiến bé không thích và chú ý khen bé đúng lúc để tạo hứng thú cho trẻ.
Trên đây là một số ích kinh nghiệm dạy trẻ nhận biết màu sắc mà mẹ có thể áp dụng. Mỗi bé sẽ thích thú và phù hợp với từng phương pháp khác nhau, bố mẹ hãy nhớ luôn kiên nhẫn và đồng hành cùng bé trong quá trình khám phá mọi thứ xung quanh.