Trong tờ trình này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, phương án được chọn trên cơ sở lấy ý kiến, tổng hợp từ 16 bộ, ngành suốt hai tháng qua. Số ngày nghỉ liên tục không quá dài, hài hòa thời gian nghỉ chính thức 2 ngày trước Tết, 3 ngày sau Tết cộng thêm 2 ngày nghỉ cuối tuần.
Trước đó, có nhiều bộ, ban ngành đã gửi góp ý về phương án nghỉ Tết, trong đó có phương án nghỉ 7 ngày, 8 ngày và 9 ngày. Cụ thể, có 10 cơ quan đồng tình phương án 7 ngày, nghỉ từ 29 tháng chạp năm Nhâm Dần đến hết mùng 5 tháng giêng năm Quý Mão, tức 20/1/2023 đến hết 26/1/2023. 2 đơn vị chọn 9 ngày, từ 30 tháng chạp năm Nhâm Dần đến hết mùng 8 tháng giêng năm Quý Mão, tức 21/1/2023 đến hết 29/1/2023. Riêng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất nghỉ 8 ngày (19-26/1/2023, làm bù 28/1/2023) và hai đơn vị chưa góp ý.
Về phương án nghỉ Tết 7 ngày của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (nghỉ từ từ 29 tháng chạp tới hết mùng 5 tháng giêng), người lao động đa phần không đồng tình và cho rằng nên nghỉ dài hơn (9 hoặc 10 ngày) và nghỉ sớm từ 26, 27 tháng chạp thay vì 29 tháng chạp như phương án hiện tại
Vì người lao động làm ăn xa quê, nghỉ trước Tết quá ngắn sẽ gây áp lực lên giao thông và không có thời gian mua sắm, kích cầu cho Tết.
Nhiều chuyên gia và cả người lao động có ý kiến về việc nên thống nhất một lịch nghỉ Tết cố định thay vì năm nào cũng phải xin ý kiến các bộ, ngành và trình nhiều phương án như hiện nay. “Tôi vẫn không hiểu sao sau bao năm mà vấn đề lịch nghỉ tết vẫn phải đem ra bàn bạc. Sao không thống nhất một lịch nghỉ Tết cố định cho nhiều năm đi. Là người Việt, nhất là những người xa quê, những người ở những vùng nông thôn, ngoại thành với nếp sống bao đời nay thì ngày Tết vui nhất không phải mùng 1 mùng 2. Tết vui nhất là những người trước Tết, khi người ở nhà háo hức chờ người ở xa về, người ở xa háo hức chờ ngày được về quê. Được gặp gỡ anh em bạn bè, dọn dẹp nhà cửa đón Tết, gói bánh chưng, trang trí nhà cửa. Quan trọng nhất là không khí đón Tết, mà điều đó những ngày trước Tết mới có. Nhưng 29 Tết mới nghỉ thì những người ở xa về được nhà cũng đâu có thời gian dọn nhà, sắm Tết, chơi xuân. Cho nên tôi cho rằng nghỉ từ 27 Tết là hợp lý” – một bạn đọc cho biết.
Ý kiến của đại đa số người dân cũng cho rằng việc góp ý việc xin ý kiến bộ ngành hiện nay về lịch nghỉ Tết âm lịch đều mang tính hình thức, cần thay đổi. Chính phủ nên đưa ra nguyên tắc chung và thống nhất về nghỉ Tết. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội căn cứ vào đó để xây dựng và công bố sớm lịch nghỉ hàng năm cho lao động, doanh nghiệp chủ động sản xuất.
Dịp lễ, Tết, người lao động nếu làm thêm giờ, làm việc ban đêm hưởng lương ít nhất bằng 300%. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài 11 ngày nghỉ trên còn được nghỉ thêm một ngày Tết cổ truyền và một ngày Quốc khánh của nước họ