Phương án một nghỉ 7 ngày, công chức, viên chức sẽ được nghỉ 5 ngày chính thức và 2 ngày nghỉ bù, kéo dài từ 29 tháng chạp năm Nhâm Dần đến hết mùng 5 tháng giêng năm Quý Mão (từ thứ sáu 20/1/2023 đến hết thứ năm 26/1/2023).
Phương án hai kéo dài 9 ngày, từ 30 tháng chạp năm Nhâm Dần đến hết mùng 8 tháng giêng năm Quý Mão. Kỳ nghỉ gồm 5 ngày chính thức, 2 ngày nghỉ bù và 2 ngày nghỉ hàng tuần (từ thứ bảy 21/1 đến hết chủ nhật tuần sau 29/1/2023).
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất chọn phương án 7 ngày để đảm bảo tổng số ngày nghỉ liên tục không quá dài, hài hòa thời gian nghỉ trước và sau Tết. Sau khi tổng hợp ý kiến, Bộ sẽ trình Thủ tướng xem xét quyết định.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng xin ý kiến hai phương án nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023, đều kéo dài 4 ngày. Phương án một từ 1/9 đến 4/9, ngoài 2 ngày chính thức có thêm một ngày nghỉ hàng tuần và một ngày nghỉ bù.
Phương án hai nghỉ từ 2/9 đến hết 5/9/2023, gồm 2 ngày chính thức và 2 ngày nghỉ bù. Ngày cuối cùng của kỳ nghỉ trùng với thời điểm học sinh khai giảng năm mới học.
Bộ đề xuất theo phương án một để "nghỉ hài hòa, tránh trùng ngày khai giảng".
Với người lao động làm việc trong doanh nghiệp, giới chủ căn cứ vào lịch nghỉ của công chức, viên chức để bố trí cho phù hợp. Song Bộ khuyến khích áp dụng lịch nghỉ như trên. Người lao động nếu làm thêm giờ, làm việc ban đêm vào dịp lễ, Tết sẽ được hưởng lương ít nhất 300%, chưa bao gồm tiền lương làm việc trong ngày. Lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ lễ hàng năm sẽ được nghỉ thêm một ngày Tết cổ truyền và ngày quốc khánh của nước họ.
Từ năm 2021, Việt Nam có thêm một ngày nghỉ lễ dịp 2/9, ngoài 10 ngày nghỉ theo quy định. Chính phủ sẽ lựa chọn ngày nghỉ vào 1/9 hoặc 3/9 tùy từng năm.