GS.TS.BS. Nguyễn Trần Hiển - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam cho biết, bệnh thủy đậu lây truyền qua đường hô hấp trong lúc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Bệnh cũng có thể lây lan gián tiếp cho người khác thông qua dịch tiết còn sót lại trên các đồ vật sử dụng hàng ngày.
Thuỷ đậu có thể lây nhiễm với tốc độ cao và phát tán thành dịch ngay ở giai đoạn ủ bệnh, khiến mọi người khó đề phòng, nhưng bệnh này lại xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Bà bầu cũng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu nếu tiếp xúc với mầm bệnh trong thời kỳ mang thai.
TS.BS Lê Thị Thu Hà- Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) cho biết, hàng năm với hơn 70.000 trường hợp đến khám thai tại Bệnh viện Từ Dũ, trong đó có 1 số không nhỏ thai phụ bệnh thủy đậu. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2019, đã ghi nhận có 11 thai phụ bị bệnh thủy đậu thăm khám và điều trị tại Bệnh viện Từ Dũ.
Theo TS Hà, phụ nữ đã từng nhiễm bệnh thủy đậu trước khi mang thai hoặc đã tiêm phòng bệnh thủy đậu thì miễn dịch được với bệnh này, do trong cơ thể đã có kháng thể chống lại bệnh. Do đó, khi mang thai, những thai phụ đã có kháng thể chống lại bệnh thủy đậu không cần phải lo lắng về biến chứng của bệnh đối với bản thân họ cũng như thai nhi.
Cảnh báo về nguy hiểm khi phụ nữ mang thai nhiễm thủy đậu, TS Hà cho hay, nếu phụ nữ mang thai nhiễm thủy đậu mà không kịp thời chữa trị sẽ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm cho cả thai nhi và mẹ. Nếu bà bầu nhiễm thủy đậu trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể sẽ dẫn tới nguy cơ sẩy thai, nguy cơ thai nhi mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh (con sinh ra sẽ bị biến dạng chi, teo cơ, co giật, chậm phát triển,…).
Nếu bà bầu nhiễm thủy đậu trong 3 tháng giữa thai kỳ thì nguy cơ thai nhi mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 2%. Nếu bà bầu nhiễm thủy đậu sau tuần thứ 20 thì điều này hầu như không ảnh hưởng tới thai nhi. Nếu bà bầu nhiễm thủy đậu trong vòng 5 ngày trước và 2 ngày sau sinh thì trẻ sinh ra dễ mắc phải bệnh thủy đậu lan tỏa. Thậm chí trẻ dễ bị biến chứng viêm phổi, viêm não…
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh Nhiệt đới- Bệnh viện Bạch Mai cũng cho hay thủy đậu nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt thụ nữ mang thai nhiễm thủy đậu mà không kịp thời chữa trị sẽ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm cho cả thai nhi và mẹ.
“Tuy nhiên, không phải cứ mẹ mắc thủy đậu là sinh ra con dị dạng, câm điếc… Nếu được theo dõi điều trị tốt, bà bầu vẫn sinh con khỏe mạnh như bình thường, chị em không nên quá lo lắng”- PGS.TS Đỗ Duy Cường nói
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, đối với thủy đậu, tiêm vắc xin là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất cho bản thân, cho cộng đồng.
Để chủ động phòng ngừa bệnh thủy đậu, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:
- Tiêm ngừa vắc xin đủ liều, đúng lịch. (Trẻ có thể bắt đầu tiêm phòng từ 18 tháng tuổi hay bất kỳ ở lứa tuổi nào sau đó khi có điều kiện. Đối với phụ nữ khi có kế hoạch sinh con, nên tiêm phòng thủy đậu trước khi có thai ít nhất là 2 thán.)
- Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
- Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7-10 ngày từ kể từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.