Chị tìm đến tôi với một khuôn mặt đầy vết tích của bạo lực. Chị kể một câu chuyện nhiều nước mắt. Trằn trọc mãi tôi biết mình phải viết điều gì đó dành cho chị, cho những người đàn bà lỡ va vào bất hạnh khi có chồng có con…
Chị lấy chồng khi cả hai mới vừa tốt nghiệp đại học. Chị và chồng đều muốn học lên thạc sĩ. Nhưng đã lấy nhau rồi, lương hai đứa chẳng bao nhiêu, một người thì một người phải làm. Vậy là chị nhường chồng cơ hội học cao hơn, chị tin chồng sẽ làm tốt hơn chị. Huống hồ, đã là vợ rồi, chị phải lùi về phía sau chồng.
Năm tháng anh học thạc sĩ không hề dễ dàng với gia đình chị. Ba chồng chị qua đời, để lại số nợ không hề ít. Mẹ chồng chị nhập viện vì sốc mà tai biến, liệt nửa người. Tiền bạc trong nhà của hai vợ chồng đã không nhiều, giờ lại eo hẹp hơn khi gặp biến cố gia đình. Chị tăng ca để chồng yên tâm học hành. Chị miệt mài làm việc đến quên cả mệt mỏi để gánh giúp chồng khoản nợ kia. Đến 3 năm dài sau đó, vợ chồng chị cũng chưa dám có con vì sợ không lo được cho con.
Đến năm thứ 4, chồng chị có công việc lương cao hơn với tấm bằng thạc sĩ. Chị lúc này mới cũng sinh con đầu lòng. Sau đó 2 năm, chồng chị dù đã thành công hơn, nhà cửa rộng rãi khá giả hơn, chị vẫn giữ thói quen tiết kiệm như bao năm, không son phấn, càng không biết ăn diện.
Chị luôn nói, rằng chồng con rồi mình sao cũng được. Sao cũng được, là một chiếc áo mới chị cũng không dám mua, còn chồng thì mặc hàng hiệu cao sang. Sao cũng được, là chị nhường hết tiền bạc để chồng đầu tư, chị vài đồng ít ỏi giữ bên mình. Sao cũng được, là chị bình dị đến héo tàn, còn chồng thì bảnh bao cuốn hút. Chị từng nghĩ chỉ cần chồng mặc đẹp thành công chính là thứ trang sức đẹp nhất chị có được.
Để rồi, chồng chị ngoại tình, anh ta nói không chịu nổi một người vợ không biết ăn diện như chị. Đến mức này, chị vẫn để đời mình ám ảnh bởi 3 từ "sao cũng được". Chị thà bị chồng đánh vẫn nghĩ cho mặt mũi của chồng mà không dám lên tiếng. Chị thà chịu bao năm chịu đựng không chịu ly hôn cũng vì con, vì mặt mũi của chồng…
Tôi chỉ hỏi chị, vì một câu “sao cũng được” đó chị có biết mình đánh mất nhiều đến nhường nào không? Đáng lẽ ra, chị sẽ được như bao người phụ nữ hạnh phúc khác khi chồng thành công, được yêu chiều biết ơn, được khoác lên mình áo đẹp lẫn hãnh diện về chồng, được là chính mình tự hào về chồng. Chị quên rằng, cuộc đời của chị đáng sống nhường nào, đáng hy vọng và trân quý ra sao, hơn là chỉ gộp đời mình vào đời chồng, trao hy vọng của mình cho chồng, gom cả kiêu hãnh của mình vào chồng.
Mà đời đàn bà, sai nhất là giao cho đàn ông hết thảy cuộc đời mình. Vì liệu rằng họ có biết hết mình đã hy sinh vì họ thế nào đâu, họ có đủ trọn lòng khi giàu sang mà biết ơn mình không? Lòng người khi nắng ấm nào có dễ nhìn như khi trời giông. Mình chịu bên họ khi bão tố, thì liệu có chắc họ chịu nắm tay mình khi đẹp trời. Trên đời này, nào có thứ gì cam đoan tuyệt đối bằng chính mình đâu. Mình muốn đẹp mặt thì mình phải tự đẹp, mình muốn kiêu hãnh xuất sắc, thì mình hãy tự giỏi giang. Đàn ông, nếu có thể làm mình tự hào chắc cũng chỉ đến khi họ còn lòng dạ với mình. Rồi ai biết ngày mai họ thay lòng, mình chỉ còn lại chính mình…
Đừng nói rằng có chồng con rồi, tốt đẹp chỉ nhường chồng con. Đàn bà nếu không biết chăm chút mình là đàn bà dại. Đàn bà không biết thương mình trước là đàn bà khờ. Đàn bà không biết chưng diện vì mình vì chồng, là đàn bà bất hạnh. Đừng sao cũng được, đừng sống tạm bợ vì ai, đừng chỉ quẩn quanh bên niềm vui của chồng của con.
Tôi chỉ mong đàn bà như chị, như bao người phụ nữ chỉ sống vì chồng, đặt hết hy vọng vào chồng có thể hiểu, đừng bao giờ nói câu “chồng con rồi, sao cũng được”. Vì khi mình son sắc cạn rồi, chồng có “sao cũng được” mà thủy chung không? Huống hồ, đời mình đàn bà không sống vì mình, không xinh đẹp, không tự thương lấy mình thì giá trị của mình tới đâu? Đàn bà không tự giá trị thì vốn không được trân trọng!