Phụ nữ chọn yêu đàn ông đã ly hôn là quyết định chẳng dễ dàng gì. Thương người đàn ông ấy, thương luôn cả quá khứ đầy rẫy những khổ đau, va vấp, thương luôn cả những đứa con không phải của mình. Phụ nữ ai cũng thích làm mẹ nhưng đâu có ai muốn làm mẹ kế bao giờ. Chọn một người đàn ông từng đổ vỡ, tình yêu chỉ là một phần, còn cái nghĩa và cả tình thương trong đó.
Phụ nữ nào cũng muốn đi vào đời một người đàn ông bằng tình yêu nồng nhiệt và tươi mới. Thứ tình yêu chưa từng nếm trải khổ đau hay chịu đựng. Nhưng thương một người đàn ông đã từng ly hôn, người đàn bà học cách thương luôn cả quá khứ của anh ấy. Trong tâm thế của một tình yêu chắp vá, đàn bà một phần nào đó cũng mong muốn được bù đắp và được xoa dịu những bất ổn trong quá khứ. Và khó nhất vẫn là làm mẹ của những đứa con riêng của chồng.
Ngày chị tôi quyết định đến với người đàn ông đó, ba mẹ và họ hàng tôi đều phản đối. Bởi chị có thể tìm được một người đàn ông tốt hơn tại sao lại chịu làm vợ của một người đàn ông từng ly hôn. Hơn nữa, anh ta có đến 2 đứa con riêng. Mẹ tôi từng bảo: “Mẹ không sợ người đàn ông ấy không thương con mà chỉ sợ 2 đứa con riêng ấy rồi sẽ làm cuộc đời của con khổ sở”.
Mặc kệ hết, chị tôi vẫn đến với người đàn ông ấy. Chị từng nói với tôi, thương anh ta nhưng chị thương 2 đứa con anh ấy nữa. Những lần đến nhà, hai đứa con không có bàn tay mẹ chăm sóc nhìn vô cùng tội nghiệp. Cảnh gà trống nuôi con, bữa ăn cũng quanh đi quẩn lại vài ba món tẻ nhạt. Bản năng của người phụ nữ là muốn được vun vén, thương yêu. Chị muốn mình làm mẹ, sưởi ấm trái tim cho hai đứa con thiếu thốn tình thương ấy.
Nhưng những đứa trẻ ấy xa cách và lạnh lùng vô cùng. Ba mẹ ly hôn từ khi chúng còn nhỏ, nên nỗi mất mát ấy cài thẳng vào vô thức. Chúng xa cách ngay với cha đẻ của mình chứ chẳng riêng gì chị. Làm ấm những trái tim mang những nỗi mất mát trong vô thức ấy với chị như một gánh nặng rất lớn trong cuộc hôn nhân chắp vá này.
Cuộc sống của một người đàn bà mang danh mẹ kế khó vô cùng. Con hỗn hào, chị lỡ có nặng tiếng la mắng nếu ai nghe thấy lập tức sẽ xì xầm: “Mấy đời bánh đúc có xương”. Chị thương con thật, quan tâm thì người đời vẫn luôn hoài nghi và cho rằng nó giả tạo. Nhưng chị coi như không biết, không hay. Chị bảo rằng chị cần thâm tâm mình không hổ thẹn là được.
Hơn 10 năm trời, khi những đứa con ấy lớn lên, chị cũng trải qua muôn vàn khổ ải vẫn chưa được nghe chúng gọi bằng tiếng mẹ. Nhưng chị đã làm cho chúng hiểu rằng mình thật sự thương yêu và chân thành. Chị tin thời gian sẽ là liều thuốc tốt nhất để chữa lành mọi thứ. Thương một người đàn ông từng đổ vỡ dễ hơn nhiều so với thương những đứa con của họ. Phụ nữ chọn con đường này luôn sống vì tình vì nghĩa hơn là vì tình yêu.