Đến hẹn lại lên, cứ đầu năm học, câu chuyện về quỹ lớp, quỹ trường, xã hội hóa, ủng hộ hay ban đại diện cha mẹ học sinh vận động thu tiền lại nóng lên tại các diễn đàn mạng xã hội.
Phụ huynh liên tục "tố" các khoản thu
Mới đây, trên diễn đàn phụ huynh ở Thái Bình, một phụ huynh đăng tải bài viết thắc mắc tiền xã hội hóa là khoản thu tự nguyện hay bắt buộc.
Theo đó, người này nhận thông báo từ ban phụ huynh của lớp: "Thưa các bậc phụ huynh, về vấn đề tiền xã hội hóa, theo các lớp là bắt buộc 200.000 đồng, còn phụ huynh nào có hơn thì đóng thêm... Lúc nào các bậc phụ huynh đóng tiền thì đóng luôn cho cô giáo".
Ngay bên dưới thông báo, một phụ huynh đặt câu hỏi về lý do bắt buộc thu và nhận câu trả lời "các lớp khác cũng vậy, không chỉ riêng lớp mình".
Một phụ huynh khác ở TP.HCM cũng bức xúc chia sẻ về các khoản thu đầu năm được ban đại diện phụ huynh trình bày trong cuộc họp đầu năm tại lớp.
Theo hình ảnh phụ huynh này chia sẻ, dự thảo kinh phí hoạt động của ban đại diện lớp gồm 3 khoản: Hoạt động ban đại diện lớp, tri ân và kinh phí liên hoan. Lớp có 27 học sinh, mỗi phụ huynh sẽ đóng gần 1,9 triệu đồng.
Cụ thể, dự thảo kinh phí hoạt động lớp tổng lên đến hơn 28,6 triệu đồng, gồm các khoản như trang bị vật dụng trong lớp (2 triệu đồng), photo tài liệu học tập (2 triệu đồng) chi phí hỗ trợ hoạt động cho trường (8,1 triệu đồng)...
Với dự thảo hoạt động tri ân, lớp này dự kiến tri ân giáo giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng ngày 20/11 mỗi người 1 triệu đồng; giáo viên quản sinh, phụ vụ mỗi người 300.000 đồng; 11 giáo viên bộ môn mỗi người 500.000 đồng... Tổng cộng 9,4 triệu đồng. Cuối cùng, kinh phí liên hoan là 489.000 đồng/em.
Bên dưới bình luận, phụ huynh khác tâm sự "nhiêu đây không si nhê gì với con mình, lớp 6 mà đóng quỹ một bé là 2,5 triệu đồng, muốn té ngửa". Chị này cho hay con học tại một trường công lập ở TP.HCM.
Một phụ huynh bức xúc, cho rằng nên "dẹp" ban phụ huynh. "Nếu muốn làm gì, ban đại diện trước hết phải nghĩ đến hoàn cảnh của phụ huynh chứ đừng muốn làm gì thì làm nhưng nói là tự nguyện. Nếu không đóng liệu các con có yên mà học được không? Bớt bày vẽ đi, cha mẹ tụi nhỏ đã cày cuốc cực khổ lắm rồi", phụ huynh này chia sẻ.
Trong khi đó ở Bình Định, mới đây, theo phản ánh của một số phụ huynh học sinh, ban đại diện cha mẹ học sinh trường THPT số 3 Phù Cát (huyện Phù Cát) vận động thu tiền mua tivi dạy học; ban đại diện cha mẹ học sinh trường THPT Nguyễn Hữu Quang (huyện Phù Cát) vận động thu tiền để xây dựng nhà để xe học sinh, không đúng quy định khiến các phụ huynh bức xúc.
Tỉnh này đã đề nghị hiệu trưởng các trường THPT và trực thuộc; giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh tổ chức rà soát, kiểm tra các khoản thu năm học 2024-2025, để chấn chỉnh tình trạng huy động đóng góp các khoản thu ngoài quy định.
8 khoản ban đại diện không được thu
Theo quy định, nhà trường được thu các khoản gồm học phí, thu hộ bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân theo Luật bảo hiểm y tế.
Đồng thời, các cơ sở giáo dục được thu thêm các khoản có sự thỏa thuận với cha mẹ học sinh hoặc thu theo Nghị quyết của HĐND từng tỉnh, thành như: Tiền ăn bán trú, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú, tiền dạy thêm, học thêm trong nhà trường, tiền mua học phẩm với trẻ mầm non, tiền vệ sinh, tiền nước uống, thẻ học sinh...
Ban đại diện cha mẹ học sinh là tổ chức của phụ huynh học sinh được bầu ra với nhiệm vụ là cầu nối giữa nhà trường và gia đình. Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu 2 khoản, gồm kinh phí để tổ chức hoạt động của ban đại diện có được từ sự ủng hộ tự nguyện của và nguồn tài trợ hợp pháp khác.
Kinh phí hoạt động của ban đại diện trường được trích từ kinh phí hoạt động của các ban đại diện lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban đại diện lớp đầu năm học.
Theo quy định tại Thông tư 55 năm 2011 của Bộ GD&ĐT, ban đại diện phụ huynh không được quyên góp của người học và gia đình người học những khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện và không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban. Cụ thể, 8 khoản tiền không được thu gồm:
- Bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường;
- Bảo vệ an ninh nhà trường;
- Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh;
- Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;
- Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường;
- Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường;
- Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục;
- Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ; không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Có thể thấy, mặc dù các văn bản đã ghi rõ ràng các khoản được và không được thu trong nhà trường, tuy nhiên, những năm gần đây, việc lạm thu vẫn âm ỉ diễn ra trong các nhà trường.