Thông thường, khi mang thai lần đầu, mẹ thường cảm thấy lúng túng, hoang mang, khi thấy biểu hiện bất thường sẽ lập tức gặp bác sĩ. Vậy nhưng đến khi mang bầu lần thứ hai, nhiều người sẽ tự tin vào kinh nghiệm của bản thân mà đôi khi chủ quan trước lời cảnh báo của bác sĩ, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Câu chuyện của bà mẹ dưới đây là một ví dụ.
Cô Trịnh (36 tuổi, sống tại Cù Châu, Chiết Giang, Trung Quốc) mang thai đứa con thứ hai từ năm ngoái và dự sinh vào tháng 5 này. Trong suốt thời gian mang thai, cô đi khám tổng cộng 9 lần tại bệnh viện địa phương. Trong hai lần khám thai cuối, bác sĩ cho biết cô có dấu hiệu ít ối, thai nhỏ nên nhập viện theo dõi.
Tuy nhiên, cô Trịnh cho rằng bản thân đã có kinh nghiệm sinh đứa con đầu lòng tuy nhẹ cân một chút nhưng vẫn khỏe mạnh nên đã từ chối nhập viện. Cô nghĩ chỉ cần về ăn uống, bồi bổ là được nhưng không ngờ quyết định này đã dẫn đến bi kịch nghiêm trọng sau này.
Đến 3 giờ sáng ngày 14/5, cô Trịnh đột nhiên bị đau bụng dữ dội kèm theo chảy máy âm đạo. Quá lo sợ nên cô lập tức đến trạm xá kiểm tra. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy em bé trong bụng cô đã mất nhịp tim. Y tá nhanh chóng liên hệ với bệnh viện phụ nữ thành phố để cấp cứu.
Sau khi nhận được thông báo, bác sĩ Đỗ Chí Mai, giám đốc bệnh viện phụ nữ thành phố Cù Châu, và bác sĩ trực ban Châu Vũ Anh lập tức nhận định đây là một ca nghiêm trọng, cần cấp cứu ngay lập tức. Đến 3 giờ 30 phút, cô Trịnh được chuyển đến bệnh viện và đẩy vào phòng mổ.
Bác sĩ Từ Hải Vân, trưởng khoa sản của bệnh viện là người trực tiếp mổ cho cô. Sau khi mổ, bác sĩ hốt hoảng khi nhận thấy nhau thai của cô Trịnh đã bong ra hoàn toàn, dẫn đến xuất huyết nhưng máu lại không đông. Vì cổ tử cung chưa mở nên máu không chảy ra ngoài được mà chứa toàn bộ trong buồng tử cung.
Hàm lượng hemoglobin của cô chỉ ở mức 5g/dL (hàm lượng ở người trưởng thành khỏe mạnh là khoảng 12-16,5 g/dL), tình trạng cực kỳ nghiêm trọng.
"Không chỉ máu trong tử cung không đông lại mà máu còn chảy vào đường tiêu hóa và đường tiết niệu của bệnh nhân. Tổng cộng bà mẹ này mất gần 4 lít máu", bác sĩ Từ cho biết.
Không chỉ vậy, cô Trịnh còn có các triệu chứng của tăng Kali trong máu, có nguy cơ dẫn đến trụy tim. Đội cấp cứu ngay lập tức thực hiện điều chỉnh rối loạn Kali máu. Hoạt động này được thực hiện từ 4 giờ đến 8 giờ sáng. Cô Trịnh cũng được truyền khoảng 3 lít máu.
Nhờ sự nỗ lực của các bác sĩ, cuối cùng mạng sống của cô cũng được bảo toàn.
"Trong tình huống đó, khả năng phải cắt bỏ tử cung là rất cao nhưng chúng tôi đã cố gắng hết sức để giữ lại cho cô ấy", bác sĩ Từ chia sẻ. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến bong nhau thai của cô Trịnh rất khó để làm rõ. Sau khi kiểm tra hồ sơ bệnh án, bác sĩ Từ phán đoán có thể nhau thai đã có vấn đề từ trong thai kỳ và đó cũng là nguyên nhân khiến thai nhẹ cân.
Bác sĩ cũng cảnh báo rằng mỗi thai kỳ đối với mỗi bà mẹ sẽ khác nhau và có thể nảy sinh nhiều vấn đề nên các mẹ bầu không được chủ quan. Ngay khi có triệu chứng bất thường xảy ra, hãy đến gặp bác sĩ và lắng nghe lời khuyên của bác sĩ.