Bất kì cặp phụ huynh nào cũng mong đứa con của mình được ra đời đủ tuần đủ tháng. Nhưng cũng có những gia đình không may mắn khi thai nhi bị sảy hoặc sinh sớm hơn dự kiến sinh. Nguyên nhân do đâu dẫn tới tình trạng sảy thai, sinh non và có cách nào để phòng tránh chúng?
Thế nào là sảy thai, sinh non?
Sảy thai là khi thai nhi được tống xuất khỏi buồng tử cung khi chưa được 20 tuần tuổi hoặc khi trọng lượng thai dưới 500gram.
Trong khi đó, sinh non là khi thai nhi được sinh nở từ tuần thứ 20 đến trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Sinh non càng sớm thì đứa trẻ càng có những nguy cơ lớn về sức khỏe.
Nguyên nhân nào dẫn tới sảy thai, sinh non?
Những nguyên nhân cụ thể khiến trẻ sinh non hiện tại chưa được rõ ràng. Tuy nhiên, bà bầu có nguy cơ sinh non cao hơn trong những trường hợp sau:
- Có tiền sử sinh non
- Mang thai sinh đôi, sinh ba
- Khoảng cách giữa các lần mang thai ít hơn 6 tháng
- Có những vấn đề tại tử cung, cổ tử cung hoặc nhau thai
- Thụ thai thông qua thụ tinh trong ống nghiệm
- Mắc một số bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là đường sinh dục dưới. Hoặc mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường.
- Bị thiếu cân hoặc thừa cân trong quá trình mang thai.
- Sảy thai hoặc phá thai nhiều lần
- Sang chấn tâm lý hoặc stress trong cuộc sống.
Ngoài ra, còn có những nguyên nhân do thai kỳ như vỡ ối non, đa ối, thai di dạng. Hoặc nguyên nhân từ rau thai như rau tiền đạo, rau bong non, hoặc thiểu năng rau.
Phòng ngừa sảy thai, sinh non bằng những cách nào?
Thăm khám thai định kỳ
Việc khám thai thường xuyên sẽ giúp theo dõi sức khỏe của mẹ và của em bé. Hãy nhớ đề cập đến bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào bạn cho là bất thường. Cần khai đầy đủ các thông tin bệnh tật của bạn, kể cả những lần phá thai, nạo thai trước đây (nếu có) để bác sĩ có thể đánh giá đúng nguy cơ bạn có thể gặp phải trong lần mang thai này. Bạn cũng cần lưu ý đến khám và theo dõi thai tại các cơ sở y tế, bệnh viện uy tín.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Cần đảm bảo khẩu phần ăn cân bằng và đầy đủ các chất dinh dưỡng. Một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều chất béo không bão hòa (PUFA) có liên quan đến nguy cơ sinh non thấp hơn. PUFA được tìm thấy trong các loại hạt, hạt, cá và dầu hạt.
Không nên hút thuốc lá hay uống rượu
Nếu bạn đã từng dùng thuốc hoặc rượu trước đây thì nên bỏ khi mang thai. Điều này sẽ giúp làm giảm nguy cơ sinh non, sảy thai.
Xem xét khoảng cách mang thai
Một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa các lần mang thai cách nhau dưới sáu tháng sẽ làm tăng nguy cơ sinh non.
Kiểm soát tốt các bệnh mạn tính
Một số bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường sẽ làm tăng nguy cơ sinh non. Do đó bạn cần thông báo với bác sĩ của mình để được kiểm soát tốt các bệnh mạn tính kèm theo này.
Một số lưu ý khác
Tập thể dục nhẹ không có hại, tuy nhiên cần tránh sự luyện tập quá sức trong lúc mang thai, nhất là ở những bà bầu có nguy cơ cao.
Đối với những thai kỳ có nguy cơ đẻ non cần kiêng quan hệ tình dục vì cơn co tử cung thường xuất hiện sau khoái cảm.
Khi có khí hư âm đạo cần phải khám và điều trị thích hợp vì đây có thể là nguyên nhân của sinh non và vỡ ối sớm.
Khi có dấu hiệu chuyển dạ sinh non, cần phải đến khám ngay tại các cơ sở y tế.
Bác sĩ Mai Ánh Điệp
Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội