Vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 19/4, hội thảo cung cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá và truyền thông về PCTH thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đã thu hút được nhiều phóng viên, biên tập viên báo đài tham gia.
Hội thảo đã chỉ ra những tác hại nguy hiểm của căn bệnh nghiện thuốc lá, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp trong việc giảm tỷ lệ người sử dụng thuốc lá, cũng như giảm tỷ lệ ung thư phổi.
Tại Việt Nam, thuốc lá gây ra trên 40.000 ca tử vong mỗi năm và con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca vào năm 2030 nếu chúng ra không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá hiệu quả.
Một trong những giải pháp được đề cập đến trong hội nghị chính là tăng thuế thuốc lá ở Việt Nam. Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm (Đại diện tổ chức WHO Việt Nam) cho biết, việc tăng thuế thuốc lá có thể giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, từ đó giảm tỷ lệ ung thư phổi.
Theo ước tính của WHO và Ngân hàng Thế Giới, khi tăng thuế để giá tăng 10% thì sẽ giảm tiêu dùng khoảng 4% ở các nước phát triển, 5% ở các nước đang phát triển.
Bên cạnh đó, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới ước tính để việc tăng thuế giúp đạt được mục tiêu của chiến lược quốc gia thì thuế thuốc lá cần tăng đủ cao để có thể tác động làm giảm 3% (tuyệt đối) tỷ lệ hút thuốc vào năm 2020.
Theo nghiên cứu, việc sử dụng thuốc lá đang gây ra gánh nặng bệnh tật và kinh tế nặng nề cho Việt Nam. Tổn thất kinh tế ước tính trên 24.000 tỷ đồng mỗi năm (tương đương 1% GDP của năm ước tính – 2011). Những tổn thất này bao gồm chi phí điều trị bệnh, tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và bệnh tật, cuối cùng là tổn thất do tử vong sớm do hút thuốc gây ra.
Theo bà Phan Thị Hải (Giám đốc Quỹ phòng chống thuốc lá của Bộ y tế), việc tăng thuế thuốc lá không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của cộng đồng mà còn mang lại những lợi ích kinh tế nhất định.
Mức thuế thuốc lá hiện nay của Việt Nam còn rất thấp (khoảng 35,6% giá bán lẻ) so với các quốc gia khác như Thái Lan, Philippines. Chính vì vậy, việc tăng mạnh thuế thuốc lá có thể tăng doanh thu thuế, đồng thời giảm tiêu dùng thuốc lá. Theo khuyến cáo của WHO, thuế thuốc lá ở Việt Nam nên tiếp tục tăng sao cho thuế chiếm 70% hoặc hơn trong giá bán lẻ.
Kết thúc hội thảo, Thạc sĩ Đào Thế Sơn (Giảng viên trường Đại học Thương Mại) một lần nữa khẳng định, tăng thuế thuốc lá giúp giảm tiêu dùng, nâng cao sức khỏe, giảm bệnh tật, tử vong sớm. Bên cạnh đó, Thạc sĩ Đào Thế Sơn còn cho rằng việc tăng thuế thuốc lá và kiểm soát buôn lậu là hai vấn đề khác nhau và việc tăng thuế sẽ không gây ra tình trạng thất nghiệp.