Cuộc hội chẩn có mặt thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và các chuyên gia đầu ngành hồi sức, hô hấp, truyền nhiễm... Theo báo cáo của Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi đang điều trị cho bệnh nhân, bệnh nhân 91 tiếp tục có dấu hiệu khá hơn.
Cụ thể, sau khi ngưng thuốc an thần giãn cơ, bệnh nhân đã tỉnh, có phản xạ ho mạnh hơn và cử động được ngón tay, cơ hoành và các cơ khác còn liệt. Bệnh nhân có thể xoay đầu khi nhận y lệnh từ bác sĩ. Phổi bệnh nhân cải thiện thêm một phần, thông khí phổi đã tăng lên 40% (lần hội chẩn trước là 30%, còn trước đó chỉ 10%).
Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn ở mức tiên lượng nặng vì lưu lượng ECMO còn cao nhưng hiện đã giảm dần các thông số và nhiễm trùng phổi do chủng vi khuẩn khó điều trị.
Tại buổi hội chẩn, hội đồng chuyên môn đánh giá việc chuyển bệnh nhân từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM sang Bệnh viện Chợ Rẫy là chính xác, đây là ca bệnh rất khó, chiến lược tiếp theo là tập trung điều trị nhiễm trùng phổi và từng bước "cai" ECMO.
GS-TS Ngô Quý Châu - chuyên gia về hô hấp, quyền chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai - đề nghị bệnh viện xem xét sử dụng thuốc mới trong điều trị nấm cho bệnh nhân, đồng thời đề nghị thay đổi bằng thuốc dùng đường tiêm cho người bệnh, bên cạnh quan tâm đến dinh dưỡng để cải thiện cơ hô hấp, cơ hoành.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng thống nhất với đề nghị này và cho hay cần quan tâm đến chức năng gan, thận của bệnh nhân.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, bệnh nhân đã ngưng lọc thận nhưng vẫn được sử dụng thuốc lợi tiểu do thận chưa hồi phục hẳn. Về phổi, nếu thông khí phổi phục hồi được 50% trở lên, bệnh nhân có cơ hội sống mà không cần phải ghép phổi.
Đây có lẽ là tin vui nhất trong suốt hành trình 71 ngày ngành y tế cả nước chạy đua để điều trị duy trì sự sống cho bệnh nhân 91 (phi công người Anh).
Nếu nhìn lại một số thời điểm thập tử nhất sinh của bệnh nhân này khi phổi gần như đông đặc (chỉ còn 10% hoạt động) thì kết quả đạt được đến nay đó là một kỳ tích.
Từ bên trong phòng hồi sức cấp cứu bệnh nhân bắt đầu có những hình ảnh lạc quan về sức khỏe, có các phản ứng biểu cảm khi bác sĩ trò chuyện.
Bệnh nhân đã có thể tiếp nhận từng thìa dinh dưỡng được các bác sĩ đút, có thể cử động ngón tay, bàn chân, mấp máy môi, nhấp nháy mắt và ông đã rơi nước mắt khi các bác sĩ, điều dưỡng hỏi thăm.
Tuy nhiên vẫn còn cứng khớp vai và khớp cổ chân tay nên bệnh nhân đang được tích cực tập vật lý trị liệu.
Ngoài ra, bệnh nhân có dấu hiệu suy mòn về dinh dưỡng nên gây ảnh hưởng đến cơ hoành và một số cơ khác. Do đó các chuyên gia dinh dưỡng của bệnh viện tiếp tục tích cực theo sát bệnh nhân để can thiệp phù hợp nhằm cải thiện sức cơ.
Đến nay, về công tác chuẩn bị dự phòng ghép phổi cho bệnh nhân vẫn tiếp tục được thực hiện. Bộ Y tế sẵn sàng chuẩn bị thuốc tốt nhất đáp ứng nhu cầu điều trị, không để thiếu thuốc đặc trị và kinh phí hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân.
Và trong thời gian tới, tùy vào tình trạng của bệnh nhân tổ chuyên môn sẽ tập trung mọi khía cạnh để giúp dần cai được hẳn ECMO (một phương pháp hỗ trợ sự tuần hoàn và hô hấp khi tim hoặc phổi hay cả hai đều không thể hoạt động bình thường).
Bệnh nhân 91 phi công người Anh nhập viện ngày 18-3, đến nay đã trải qua 2 tháng 11 ngày điều trị. Trong quá trình này đã có nhiều thời điểm sức khỏe diễn biến xấu, phổi gần như đông đặc (chỉ còn 10% hoạt động), nhưng trong vài ngày nay sức khỏe bệnh nhân đã tiến bộ lên từng ngày.