Người phạt tát, người phạt quỳ
Nỗi lo lắng của phụ huynh là chính đáng bởi thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ việc giáo viên bạo lực thể xác, tinh thần với học sinh.
Còn nhớ cách đây khoảng nửa năm, vào giữa tháng 11/2019, một nam sinh lớp 6 trường THCS Duy Ninh nói tục trong giờ ra chơi và bị đội cờ đỏ ghi lại.
Cô Nguyễn Thị Phương Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 6.2, phát hiện và yêu cầu 23 bạn cùng lớp tát vào má nam sinh vi phạm, mỗi người 10 cái. 23 học sinh lần lượt thay nhau tát bạn và cô tát nam sinh một cái cuối cùng.
Sau hôm đó, nam sinh phải nhập viện điều trị vì hai má sưng, tâm lý hoảng sợ. Phân trần về cách xử lý của mình, cô giáo Thủy cho hay: “Tôi chỉ muốn có hình thức răn đe các em, việc làm này là sai, cũng do tôi nóng giận và một phần vì áp lực thi đua”.
Dẫu vậy, cách xử phạt bạo lực của vị giáo viên này đã khiến cộng đồng dấy lên nỗi phẫn nộ. 231 cái tát, vết thương trên cơ thể rồi sẽ lành lại nhưng vết thương trong tinh thần em học sinh này sẽ không bao giờ liền lại.
Thực tế cho thấy, đây không phải là vụ việc học sinh bị giáo viên tát ở chốn học đường.
Chia sẻ với PV Phụ nữ Sức khỏe, chị A.Đ, một phụ huynh có con học tiểu học tại TP.HCM cho biết chỉ vì lý do viết xấu, con trai chị đã bị cô giáo đánh vào tay. Có lần, cô giáo đã đánh vào đầu con cũng vì lý do con “viết xấu”.
“Làm mẹ, ai cũng từng vụt roi vào mông con, từng phạt con úp mặt vào tường. Nhưng tuyệt nhiên tôi không bao giờ tát vào mặt con bởi hành vi đó khiến con vô cùng tổn thương. Tôi cũng chấp nhận cô lấy thước vụt một hai nhát vào tay con.
Nhưng tôi không thể chịu đựng nổi khi tan học, con kể: “Hôm nay cô tát vào đầu con đó mẹ. Cô tát đau đến nỗi con khóc luôn. Vì con viết xấu đó mẹ!”. Việc bị cô giáo đánh đã làm tổn thương sâu sắc tâm hồn của con, cướp đi mọi sự háo hức tới trường”, chị A.Đ bức xúc.
Dù dư luận xã hội lên án mạnh mẽ việc giáo viên phạt “nặng tay” với học sinh nhưng hiện tượng này vẫn tái diễn.
Mới đây nhất, vụ việc giáo viên trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) bắt một nam sinh quỳ một tiết học ngày 9/5 đã gây xôn xao dư luận. Cụ thể, giáo viên này đã bắt nam học sinh quỳ trước gần 30 em trong lớp.
Theo giáo viên giải thích thì hình phạt này do một số phụ huynh đề nghị, trước thực trạng học sinh không tuân thủ nội quy nhà trường. Hiện cô giáo bị phụ huynh khiếu nại về việc xử phạt học sinh bằng hình thức quỳ trước lớp bị đình chỉ giảng dạy từ ngày 13/5 để chờ xử lý kỷ luật.
Không chấp nhận việc giáo dục kiểu “sỉ nhục”
Rất nhiều phụ huynh bày tỏ sự không đồng ý với cách giáo dục phản giáo dục như tát, bắt học sinh quỳ khi mắc lỗi. Bày tỏ quan điểm về việc giáo viên phạt học sinh bằng hình thức tát, quỳ, luật sư Nguyễn Anh Thơm cũng khẳng định đây là hành vi không thể chấp nhận được.
"Không thể chấp nhận được việc làm của cô giáo khi xử phạt học sinh bằng cách quỳ trước lớp như vậy. Về mặt pháp luật đã xâm hại đến quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người", luật sư Thơm nhận định.
Tuy nhiên, ở trường hợp này, việc xử lý hình sự về tội "Làm nhục người khác" là khó vì chưa gây hậu quả nghiêm trọng gì nhưng cần phải xử lý kỷ luật giáo viên đã áp dụng hình phản giáo dục này bởi đã tạo áp lực, chấn động tinh thần không hề cho học sinh.
Dưới góc độ người trong cuộc, trên báo chí, cô Q, giáo viên chủ nhiệm lớp 9B, trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) cũng đã lên tiếng về việc phạt học sinh quỳ trong giờ học.
“Tôi bắt học sinh quỳ theo đúng yêu cầu của phụ huynh học sinh, con người ta hư quá nên yêu cầu làm như vậy. Việc học sinh quỳ có biên bản giữa tôi và phụ huynh", cô Q. nói.
Cũng theo cô giáo Q., bố mẹ chưa một lần đi họp cho con, chỉ có bà đi họp. Sau đó, tôi mời phụ huynh họp vài lần, bố mẹ cũng không đến.
Một giáo viên dạy Toán tại một trường THPT tại Hà Nội (giấu tên) đã không giấu nổi sự bức xúc khi nói về việc giáo viên phạt học sinh.
“Tôi không đồng tình với việc giáo viên phạt học sinh bằng cách tát tập thể, bắt quỳ vì đây là cách làm phản giáo dục.
Tuy nhiên, nếu có làm trong nghề mọi người mới hiểu được áp lực chúng tôi phải trải qua mỗi ngày. Học sinh bây giờ rất nhiều em hư khủng khiếp. Ngay như lớp tôi chủ nhiệm, khi đang trong giờ dạy học, một học sinh nam bất ngờ đứng lên, không học bài.
Tôi hỏi tại sao đang học cháu lại đứng lên, em học sinh thản nhiên đáp: “Đang ngồi học, quần sịp tụt thì phải đứng lên kéo quần thôi”. Một lần khác, giáo viên dạy Hóa phản ánh học sinh nam không chịu học, bật điện thoại ầm ĩ trong giờ học.
Khi giáo viên Hóa nói sẽ mời giáo viên chủ nhiệm, em học sinh này lập tức nói: “Mời thì mời, sợ cái đ** gì!”. Thật không thể hiểu nổi! Nhiều khi giáo viên tức phát khóc mà không thể làm gì được.
Trong khi đó, phản ánh tới phụ huynh, nhiều người bảo “Con tôi ngoan lắm”. Giáo viên đi dạy học, áp lực trăm bề. Ngày xưa, học sinh đi học sợ giáo viên, còn bây giờ ngược lại, nhiều khi giáo viên sợ học sinh, sợ cả phụ huynh.
Phạt những em quá hư để em chịu khó học hành. Nhưng nếu phạt thì phụ huynh lại khiếu nại, kiện cáo. Không phạt, buông xuôi thì cuộc đời các em sẽ đi về đâu?”, nữ giáo viên bộc bạch.