Hãng công nghệ sinh học nổi tiếng 23andMe (Mỹ) vừa công bố kết quả nghiên cứu về nhóm máu các bệnh nhân COVID-19. Hãng cho biết đã phát hiện gen di truyền ABO (quyết định nhóm máu) là yếu tố quan trọng trong việc một người sẽ có sức đề kháng tốt hơn hoặc dễ bị nhiễm virus corona chủng mới (SARS-Cov-2) hơn so với những người thuộc nhóm máu khác.
Nghiên cứu của 23andMe dựa trên dữ liệu thu thập được từ 750.000 người, cho thấy những người thuộc nhóm máu O có sức đề kháng tốt hơn với virus corona so với những người thuộc các nhóm máu khác.
Nghiên cứu này cũng phản ánh kết quả tương tự của một số nghiên cứu khác (có quy mô nhỏ hơn) về mối liên quan giữa gen ABO và COVID-19.
Trước đó, một nghiên cứu của Hãng công nghệ sinh học Ancestry (Mỹ) về sự nhạy cảm (dễ nhiễm) và bệnh trạng của bệnh nhân COVID-19 cũng cho thấy nhóm máu đóng vai trò quan trọng đến bệnh trạng và khả năng đề kháng với virus corona.
Nghiên cứu này đã khảo sát gen của 1.600 bệnh nhân COVID-19 ở Ý và Tây Ban Nha, cho thấy những người thuộc nhóm máu A bị tăng 50% nguy cơ bị khó khăn về hô hấp và phải cần đến máy thở.
Kết quả nghiên cứu của Ancestry cũng khá tương đồng với phân tích trước đây của các bác sĩ tại Bệnh viện Kim Ngân Đàm (Jinyintan) ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), cho thấy trong số 1.775 bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện này, 38% mang nhóm máu A và chỉ có 26% mang nhóm máu O.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học công nghệ Thâm Quyến cũng đã tiến hành một nghiên cứu nhằm đánh giá mối liên quan giữa nhóm máu và bệnh nhân nhiễm SARS-Cov-2. Kết quả cho thấy có mối liên hệ giữa các nhóm máu và khả năng bị nhiễm COVID-19: những người có nhóm máu A có nguy cơ bị nhiễm cao hơn những người có nhóm máu khác, và nhóm máu O là có tỉ lệ bị nhiễm bệnh thấp nhất.
Gần đây, các bác sĩ thuộc Bệnh viện Chung Nam (Zhongnan), cũng ở Vũ Hán, đã phân tích nhóm máu của 2.173 bệnh nhân COVID-19 tại 2 bệnh viện ở Vũ Hán và 1 bệnh viện ở Thâm Quyến. Kết quả cho thấy những người có nhóm máu A có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn và dễ phát sinh các triệu chứng nặng hơn.
Hãng 23andMe cho biết trên tổng thể, những người thuộc nhóm máu O có tỉ lệ bị nhiễm COVID-19 thấp hơn từ 9 - 18% so với những người thuộc các nhóm máu khác.
Các nghiên cứu về gen và nhóm máu sẽ giúp các bác sĩ nhận dạng chính xác những đối tượng mẫn cảm với virus SARS-Cov-2, nhờ đó có thể thực hiện các liệu pháp điều trị hiệu quả cho những đối tượng này.
Dù vậy, 23andMe cho rằng đây chỉ là những kết quả ban đầu, và đề xuất rằng cộng đồng khoa học cần phải tập trung nguồn lực thực hiện thêm những nghiên cứu quy mô lớn để bảo đảm sự chính xác ở mức cao nhất về mối tương quan giữa nhóm máu và sức đề kháng hoặc sự mẫn cảm với COVID-19.
Y giới đã biết về những nhóm đối tượng có sức đề kháng rất thấp với COVID-19 như tuổi cao, có những vấn đề tiềm ẩn về sức khỏe (đang mắc các bệnh tim mạch, hô hấp, ung thư, tiểu đường, rối loạn hệ miễn nhiễm...). Nhưng các bác sĩ vẫn chưa tìm ra lý do vì sao có một số người không hề bị nhiễm, hoặc bị nhiễm nhưng lại không biểu hiện triệu chứng gì, trong khi số khác thì bệnh trạng lại chuyển biến rất nặng và nhiều khả năng sẽ tử vong.
Nhóm máu nào "dễ chịu" nhất?
Sự tương thích giữa các nhóm máu - Ảnh: Medical News Today
Con người có 4 nhóm máu chính là A, B, AB và O, gọi là hệ thống nhóm máu ABO. Hệ máu ABO được phát hiện vào năm 1900 bởi bác sĩ Karl Landsteiner thuộc Đại học Vienna (Áo). Ngoài ra, còn phân biệt theo yếu tố kháng thể trên bề mặt hồng cầu gọi là hệ thống nhóm máu Rhesus, chia làm 2 nhóm là nhóm Rh+ (dương) và nhóm Rh- (âm). Kháng thể hệ Rh là kháng thể miễn dịch, chỉ xuất hiện sau khi một người được truyền máu khác nhóm.
Trên thế giới, nhóm máu O là phổ biến nhất, chiếm 41,22% dân số thế giới, sau đó là nhóm A với 29,41%, kế đến là nhóm máu B với 23,13%, ít nhất là nhóm AB chỉ có 6,24%. Ở Việt Nam, theo Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, nhóm máu O chiếm 42,1%, nhóm máu B chiếm 30,1%, nhóm máu A chiếm 21,2% và nhóm máu AB chiếm 6,6%.
Nhóm máu A: Những người có nhóm máu A có thể hiến máu cho những người khác có cùng nhóm máu A, hoặc những người mang nhóm máu AB. Nhóm máu A cũng có thể nhận máu từ những người cho mang nhóm máu O.
Nhóm máu B: Những người có nhóm máu B có thể hiến máu cho những người có cùng nhóm máu B, hoặc cho những người có nhóm máu AB. Nhóm máu B cũng có thể nhận máu từ những người cho mang nhóm máu O.
Nhóm máu AB: Nhóm máu này không phổ biến. Những người có nhóm máu AB có thể nhận máu từ bất cứ nhóm máu nào. Ngược lại, những người thuộc các nhóm máu khác không thể nhận máu của những người có nhóm máu AB.
Nhóm máu O: Nhóm máu O là nhóm máu phổ biến nhất trên thế giới. Những người có nhóm máu O chỉ có thể nhận máu từ những người có cùng nhóm máu O. Tuy nhiên, những người có nhóm máu O lại có thể hiến máu cho tất cả các nhóm máu khác.