Theo Los Angeles Times, nghiên cứu này do nhóm chuyên gia tại Đại học KwaZulu-Natal, Durban, Nam Phi, phát hiện và đăng tải trên tạp chí medRxiv vào ngày 3/6. Bệnh nhân là người phụ nữ 36 tuổi, ở Nam Phi, nhiễm HIV giai đoạn cuối.
Trường hợp hiếm của thế giới
Người này sống chung với Covid-19 trong 216 ngày. Suốt thời gian này, SARS-CoV-2 đã âm thầm sinh các đột biến trong chính cơ thể vật chủ.
Tổng cộng, nCoV đã đột biến 32 lần khi xâm nhập cơ thể nữ bệnh nhân. Trong đó, 13 đột biến ở protein (chìa khóa giúp virus thoát khỏi phản ứng miễn dịch của cơ thể) và 19 đột biến khác có thể làm SARS-CoV-2 thay đổi hành vi.
Trong số đó, nhiều đột biến từng xuất hiện ở các biến chủng nguy hiểm. Đó là E484K (một phần của biến chủng B.1.17, được tìm thấy tại Anh) và N510Y (thuộc biến chủng B.1.351, lần đầu phát hiện ở Nam Phi).
Đây đều là những biến chủng được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào danh sách nguy hiểm gấp nhiều lần phiên bản virus gốc với khả năng lây truyền nhanh hơn, gây tỷ lệ tử vong cao.
Các quan chức y tế tại Anh cảnh báo biến chủng B.117 của SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền cao hơn tới 70%. Trong khi đó, Bộ Y tế Nam Phi cho biết biến chủng virus B.1.351 có khả năng lây truyền cao hơn 50% so với chủng cũ.
Theo nhà di truyền, dịch tễ học Tulio de Oliveira, Đại học KwaZulu-Natal, người đứng đầu phòng thí nghiệm Krisp ở Nam Phi, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết hiện tại họ chưa rõ liệu những đột biến virus mà nữ bệnh nhân mang có khả năng lây truyền sang người khác hay không.
Vị chuyên gia cũng cảnh báo trường hợp này có thể dễ dàng bị bỏ qua. Bởi nữ bệnh nhân chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ khi mắc Covid-19. Vì vậy, cô cho rằng bản thân đã khỏi bệnh. Nhưng trên thực tế, virus vẫn tồn tại trong cơ thể của cô gần 8 tháng và không biến mất. Bệnh nhân cũng không phải nhập viện dù vốn thuộc nhóm nguy cơ cao (nhiễm HIV). Đây là điều khiến nhóm tác giả bất ngờ.
Nguy cơ từ những bệnh nhân đặc biệt
Nữ bệnh nhân ở Nam Phi được phát hiện nhiễm HIV vào năm 2006. Vì vậy, giới nghiên cứu đặt giả thuyết các tế bào T CD4+ mạnh mẽ trong hệ thống miễn dịch của bệnh nhân đã ức chế nCoV, khiến nó không thể gây bệnh nặng.
Các nhà khoa học chỉ phát hiện trường hợp này khi cô tham gia một nghiên cứu về phản ứng miễn dịch người nhiễm HIV với Covid-19.
Khoảng 6 tháng sau khi bước vào cuộc nghiên cứu, cô đã được thay thế thuốc kháng virus HIV loại khác. Trong vòng hai tuần, tải lượng virus HIV trong cơ thể của bệnh nhân này được kiểm soát. Cô cũng khỏi Covid-19.
Dự án trên gồm 300 bệnh nhân HIV. Trong số này, nhóm tác giả cũng phát hiện 4 người nhiễm HIV khác đã mang virus nCoV trong cơ thể suốt một tháng.
Trả lời Insider, PGS.TS Juan Ambrosini, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Barcelona, Tây Ban Nha, hy vọng đây là trường hợp duy nhất, ngoại lệ của thế giới, thay vì hiện tượng phổ biến ở những người nhiễm HIV. Bởi Covid-19 sẽ khiến tình trạng suy giảm miễn dịch của người nhiễm HIV thêm trầm trọng.
Theo ông Ambrosini, một số bệnh nhân bị ức chế miễn dịch có khả năng trở thành vật chủ mang virus trong nhiều tháng. Trước đó, thế giới mới ghi nhận một trường hợp nhiễm HIV và mang virus nCoV trong thời gian dài.
Nhà di truyền học Tulio de Oliveira cảnh báo nếu trường hợp nữ bệnh nhân trên trở nên phổ biến, những người nhiễm HIV không được điều trị bằng thuốc có thể trở thành "nhà máy sản xuất các biến chủng nCoV của toàn cầu".
Vì vậy, phát hiện này mang ý nghĩa đặc biệt với công cuộc chống dịch Covid-19 và HIV tại châu Phi. HIV đã trở thành tai họa trong suốt 4 thập kỷ và giết chết 32 triệu người trên toàn cầu. Riêng tại châu Phi, năm 2020, khoảng 26 triệu ca tử vong vì nhiễm HIV.