Theo đó, chủng vi rút HIV mới thuộc phiên bản nhóm M của HIV-1, chủng HIV đã gây đại dịch toàn cầu. Phát hiện này được công bố ngày 6/11 trên tạp chí khoa học Journal of Acquired Immune Deficiency Syndromes.
Hiện HIV có 2 chủng là HIV-1 và HIV-2, trong đó HIV-1 có khả năng lây truyền cao trên phạm vi toàn cầu.
Câu hỏi đặt ra là các phương pháp điều trị HIV hiện nay có hiệu quả đối với chủng virus mới này hay không trong khi chúng có tốc độ lây lan nhanh chóng.
Chủng virus mới thuộc nhóm M của HIV-1. Ảnh: Slash Gear.
Trả lời về mối lo lắng này, ông Võ Hải Sơn - Trưởng phòng giám sát và xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết chủng vi rút này thuộc nhánh M của loại virus HIV đang lưu hành.
“Tuy nhiên, số mắc ít và chủng vi rút này vẫn đáp ứng thuốc tốt. Vì thế người dân không nên hoang mang vì chưa có thông tin chính thống”. Theo ông Sơn, hiện nay căn bệnh HIV đã được kiểm soát tốt tại Việt Nam và không đáng lo ngại.
Theo các chuyên gia, giống như các loại vi rút khác, vi rút HIV cũng có khả năng thay đổi và biến đổi theo thời gian.
Biến thể mới này được ghi nhận trên 3 người ở Cộng hòa Dân chủ Congo từ lâu nhưng chưa được nghiên cứu triệt để và công bố chính thức. Ca đầu tiên được phát hiện vào năm 1983, tiếp đến là 1990. Ca thứ ba được phát hiện ở quốc gia này vào năm 2001.
Cho đến thời điểm này vẫn chỉ chủng HIV-1 lưu hành ở các nước trên thế giới. Chủng mới nhưng nằm trên nền tảng, cấu trúc gen của loại cũ vẫn có nghĩa chúng đáp ứng thuốc hiệu quả. Vì thế người dân không nên hoang mang.
Theo quan điểm của Tiến sĩ Carole McArthur của Đại học Missouri, thành phố Kansas: "Phát hiện mới nhắc nhở chúng ta về nhiệm vụ chấm dứt đại dịch HIV, tận dụng những thành tựu tiên tiến nhất của khoa học công nghệ chống lại sự phát triển của vi rút".
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 36,7 triệu người trên thế giới hiện sống chung với HIV. Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) ước tính trong năm 2016 có 1,8 triệu ca xét nghiệm dương tính mới.
Tại Việt Nam, tính đến tháng 6/2019, có 139.277 người đang điều trị ARV tại 436 cơ sở điều trị HIV/AIDS thuộc 63/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, 134.689 người lớn, 4.588 trẻ em. Số được điều trị chiếm 65% người nhiễm HIV được phát hiện.