Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nấm mốc có khả năng gây dị ứng và các vấn đề về hô hấp, một số loại thậm chí còn dẫn tới ngộ độc. Vi khuẩn phát triển cùng nấm mốc khiến ăn thực phẩm bị mốc dễ dẫn đến nhiễm trùng.
Tuy nhiên, không phải đồ ăn nào bị mốc cũng vứt đi. Dưới đây là những thực phẩm vẫn ăn được nếu bị mốc và những loại phải bỏ do USDA khuyến cáo.
Thực phẩm ăn được
Xúc xích salami khô và đùi lợn muối
Salami khô (xúc xích dạng khối được làm từ thịt động vật lên men và sấy khô) và đùi lợn muối thường có nấm mốc Penicillium, Aspergillus bên ngoài. Những loại này không gây hại cho sức khỏe mà ngược lại bảo vệ thực phẩm.
Theo bác sĩ Wynn Huynh Tran, nhà sáng lập tổ chức y khoa phi lợi nhuận VietMD, nhìn chung, các loại nấm mốc mọc bên ngoài salami và đùi lợn muối sau khi gạt bỏ phần mốc thì an toàn để ăn.
Lưu ý, nếu salami khô và đùi lợn muối xuất hiện mùi khó chịu, nổi mốc nâu/đen hoặc mốc nằm bên trong thịt thì bạn nên vứt bỏ.
Các loại rau củ quả cứng, độ ẩm thấp
Nấm mốc cần thời gian phát triển ở các loại rau củ quả như cà rốt, bắp cải, ớt chuông. Bạn chỉ cần cắt bỏ ít nhất 3 cm xung quanh chỗ bị mốc là dùng tiếp được. Nên rửa dao sạch sau khi cắt để tránh nấm mốc lây chéo cho thực phẩm khác.
Phô mai cứng
Chỉ cần cắt bỏ khu vực mốc là ăn bình thường. Nên gói phô mai bằng giấy sạch sẽ.
Phô mai lên men
Có nhiều loại phô mai lên men như Roquefort, Blue, Gorgonzola, Stilton ăn rất ngon. Riêng phô mai mềm như Brie hay Camembert không ăn nếu thấy bị mốc. Với phô mai cứng hơn, bỏ ít nhất 3 cm xung quanh phần bị mốc là có thể ăn được.
Thực phẩm cần loại bỏ
Các loại củ quả mềm độ ẩm cao
Không nên ăn dưa chuột, đào hay cà chua một khi chúng đã bị mốc.
Bánh mì
Rhizopus stolonifer hay nấm mốc đen trên bánh mì và các loại bánh nướng có thể khiến bạn bị ngộ độc hay nhiễm trùng.
Phô mai mềm, nghiền vụn hoặc thái lát
Phô mai kem, Neufchatel, Chevre và Bel Paese bị mốc do nhiễm khuẩn. Các loại phô mai nghiền vụn hay thái lát nếu bị mốc có thể do dụng cụ cắt không đảm bảo vệ sinh.
Bơ đậu phộng, quả đậu và quả hạch
Đồ ăn không chứa chất bảo quản rất dễ bị nhiễm nấm mốc và thường sản sinh ra các độc tố rất nguy hiểm.
Mứt và thạch
Độc tố nấm mốc trên mứt, thạch có thể xuất hiện ngay cả khi bạn đã loại bỏ phần bị mốc. Do đó nếu đã lên mốc thì bỏ hoàn toàn món ăn.
Thực phẩm độ ẩm cao
Thịt nguội, phô mai, thịt xông khói, xúc xích, hot dog, thịt ăn thừa, thịt hầm, ngũ cốc đã chế biến, mì ống đã nấu, sữa chua và kem chua, đều rất dễ bị vi khuẩn nấm mốc tấn công.