Theo thông tin từ báo Công an nhân dân, chiều 5/2, thông tin từ Bệnh viện Trung ương (T.Ư) Huế cho biết, Bệnh viện vừa tiếp nhận cấp cứu 4 trường hợp bệnh nhi bị bỏng nặng do đốt pháo. Trước đó, vào tối 4/2, Khoa Cấp cứu Bệnh viện T.Ư Huế tiếp nhận 3 bệnh nhi (từ 3 đến 14 tuổi, cùng ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) bị bỏng nhiều vùng trên cơ thể do đốt thuốc pháo mua trôi nổi trên mạng xã hội.
Cách đó vài ngày, Bệnh viện Trung ương Huế cũng tiếp nhận một trẻ em ở huyện Phú Lộc bị bỏng nặng mà nguyên nhân cũng xuất phát từ việc đốt pháo không rõ nguồn gốc.
Trong đó có trường hợp cháu bé 3 tuổi có độ bỏng sâu, diện tích bỏng 16% ở vùng bàn tay, cẳng chân và mặt bị sưng phù. Sau khi được cấp cứu, các bệnh nhi được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu Nhi, Trung tâm Nhi khoa Bệnh viện T.Ư Huế để chăm sóc theo dõi.
Đại diện Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, may mắn cả 4 bệnh nhi kể trên được tiếp nhận kịp thời và được các y, bác sĩ tích cực hồi sức nên mới qua được cơn nguy kịch.
Theo thông tin từ VTC news, trước đó, đội Phòng ngừa, điều tra án buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ (Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Thừa Thiên - Huế) cũng phối hợp, phát hiện Phạm Văn Khánh (SN 1980, trú tổ 10, phường Phú Bài), người có ký hợp đồng với chủ cửa hàng kinh doanh pháo hoa số 3 (54 Nguyễn Văn Thương, phường Phú Bài, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế) có hành vi buôn bán và tàng trữ 21 giàn pháo hoa các loại, tổng trọng lượng khoảng 17kg, không có hoá đơn chứng từ. Số pháo hoa này nghi là giả mạo pháo hoa của Bộ quốc phòng.
Ngoài ra, lực lượng công an phát hiện 18 giàn pháo hoa thuộc diện phải thu hồi về nhà máy nhưng vẫn đang được bày bán tại cửa hàng nói trên. Làm việc với công an, Phạm Văn Khánh khai việc mua số pháo này từ Hà Nội về bán, không có hoá đơn chứng từ. Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Thừa Thiên - Huế đang tạm giữ số pháo trên để giám định và xử lý.