Từ khi dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt của Thùy (ngụ Gia Lai) thưa thớt rồi hết hẳn vào năm 2022. Cũng năm đó, Thùy kết hôn. Mãi không có thai, vợ chồng cô quyết định đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM thăm khám, phát hiện buồng trứng cạn kiệt, chỉ số AMH còn 0.02 ng/ml (phụ nữ dưới 38 tuổi có AMH trung bình 2-6 ng/ml).
Thùy có đôi mắt rất nhỏ, sụp mí, khoảng cách hai mắt xa hơn so với người bình thường. "Đôi mắt buồn" này được di truyền từ ông nội, đến bố và chị em cô. Các cô, chú, bác cũng có đôi mắt tương tự. Những người đàn ông vẫn có con nhưng phụ nữ đều suy buồng trứng, mãn kinh sớm dẫn đến hiếm muộn.
Thùy được chẩn đoán mắc hội chứng BPES (Blepharophimosis, ptosis, and epicanthus inversus syndrome), một đột biến di truyền trội. Biểu hiện bệnh đặc trưng ở đôi mắt với 4 đặc điểm chính: khoảng cách giữa hai góc mắt ngắn, chỉ khoảng 20-22 mm (ở người bình thường là 25-30 mm); sụp mí mắt trên dẫn đến khoảng cách giữa hai mí mắt hẹp; xuất hiện nếp gấp da đi từ mí mắt trong và đi lên nằm đè lên mí mắt trên; hai mắt xa nhau hơn người bình thường.
Bác sĩ Ngô Đình Triệu Vỹ cho biết hội chứng BPES do nhiều đột biến gene FOXL2 và có nhiều thể khác nhau. BPES type I thường là các đột biến dẫn đến mất hoàn toàn chức năng của protein FOXL2, làm suy giảm khả năng điều hòa sự phát triển của mí mắt và các hoạt động sản sinh tế bào mầm tại buồng trứng, một số tế bào noãn trưởng thành nhanh bất thường gây thoái hóa rất sớm.
Hội chứng BPES hiếm gặp với tỷ lệ ước tính là 1/50.000 ca sinh, khoảng 64% trường hợp xảy ra ở phụ nữ. Nam giới mắc hội chứng này có con bình thường nhưng bệnh có thể di truyền cho thế hệ sau theo cơ chế di truyền gene trội. Nếu di truyền cho con gái, người con nguy cơ suy buồng trứng sớm, vô sinh.
Nghĩ đến người cô út hiện ngoài 50 tuổi cô quạnh vì không có con, và các chị em họ chạy chữa nhiều năm chưa có tin vui, Thùy cho biết cô khao khát được làm mẹ.
Theo bác sĩ Vỹ, trên y văn ghi nhận một số trường hợp điều trị hỗ trợ sinh sản thành công cho bệnh nhân mắc BPES type I với kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm có sàng lọc di truyền tiền làm tổ PGT-M (xét nghiệm cho các bệnh di truyền đơn gen), nhằm loại trừ các phôi có mang đột biến gene FOXL2.
Thùy được điều trị bằng phác đồ kích thích buồng trứng, gom trứng tích lũy nhiều chu kỳ, thụ tinh ống nghiệm, nuôi cấy phôi và sàng lọc phôi tiền làm tổ.
Phôi được kiểm tra bộ gen từ giai đoạn rất sớm bằng kỹ thuật PGT-M. Phôi mang gen bệnh sẽ bị loại bỏ. Phôi khỏe mạnh được chuyển vào trong buồng tử cung người mẹ, giúp tăng cơ hội đậu thai và sinh con bình thường, không mang đột biến di truyền qua các thế hệ sau.
Hay tin Thùy đi khám, chị Hoài (38 tuổi, chị họ của Thùy) cũng khăn gói từ quê chồng Quảng Ngãi vào TP.HCM để điều trị, mong có được mụn con sau 13 năm vô sinh.
Chị Hoài cạn kiệt buồng trứng trong nhiều năm. Họ xin trứng của người họ hàng xa để thụ tinh ống nghiệm. Vợ chồng chị cùng người hiến tặng trứng đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục, khám sức khỏe sinh sản, thể chất, di truyền và tư vấn tâm lý trước khi bắt đầu điều trị.
"Tôi hạnh phúc khi có thể được làm mẹ", chị Hoài xúc động nói sau 13 năm không con cái. Thùy cũng bày tỏ sự biết ơn với các bác sĩ tại IVF Tâm Anh TP.HCM bởi đã giúp cô và chị họ chạm đến ước mơ có con.
Bác sĩ Vỹ khuyến cáo hội chứng BPES dễ nhận thấy qua các biểu hiện kiểu hình ở đôi mắt. Nữ giới khi sinh ra có các đặc điểm trên nên đi khám để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị dự phòng càng sớm càng tốt. Kịp thời trữ trứng ngay trong độ tuổi dậy thì giúp người bệnh bảo tồn khả năng sinh sản trước khi buồng trứng hoàn toàn thoái hóa và cạn kiệt, giảm nguy cơ xin trứng trong tương lai.
Vô sinh do bệnh lý di truyền (gene) ở nữ bao gồm hội chứng Turner, hội chứng đứt gãy nhiễm sắc thể X (hội chứng Fragile X – FRAX), tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh (Congenital Adrenal Hyperplasia - CAH); ở nam giới bao gồm Hội chứng Klinefelter, Hội chứng Kallman, mất đoạn nhỏ trên cánh dài nhiễm sắc thể Y, chuyển đoạn nhiễm sắc thể đoạn 13/14 hay chuyển đoạn Robertsonian…
Sự phát triển mạnh mẽ của y học phân tử và di truyền học cho phép con người tiếp cận và giải mã những bí ẩn về vô sinh do di truyền, nội tiết, giúp người bệnh vô sinh do bất thường gen có thể sinh con khỏe mạnh. Các tiến bộ trong phân tích nhiễm sắc thể giúp các nhà di truyền học sàng lọc phát hiện đa số rối loạn về số lượng, cấu trúc nhiễm sắc thể, các rối loạn đơn gen trên nhiễm sắc thể thường và liên kết với nhiễm sắc thể giới tính ở phôi, từ đó có thể giúp loại bỏ các phôi bất thường di truyền, lựa chọn chuyển phôi phù hợp. Tại IVF Tâm Anh, nhiều trường hợp vô sinh do bất thường về di truyền điều trị và có con thành công.