Anh Nguyễn Nam (nhân viên khu công nghiệp ở Bắc Ninh) - người đăng tải hình ảnh trên mạng xã hội - chia sẻ: "Khi thấy cháu không được vui vì không nhận được giấy khen từ trường, hai vợ chồng bàn nhau làm giấy khen cho cháu. Ban đầu là giấy khen. Nhưng khi thực hiện, mình đổi thành "giấy like" cho vui vẻ chút. Hai vợ chồng còn tổ chức lễ bế giảng để long trọng cho cháu hào hứng".
Trước đó, bé Ngọc Linh (con anh Nam, học lớp 1) về nhà thủ thỉ: "Bố mẹ ơi, năm nay con không được giấy khen. Bố mẹ có buồn không?". Anh liền hỏi: "Con có biết vì sao con không được giấy khen không?". Linh trả lời: "Hình như môn thể dục và thủ công, con làm không được tốt. Con gập cái ví không đẹp. Lớp có 17 bạn được giấy khen thôi, còn hơn 20 bạn không được".
Hai vợ chồng khuyên bé trong năm học con đã cố gắng, tự giác học. Thế nhưng, dù được an ủi, cả ngày bé Linh cứ buồn buồn, thi thoảng nhắc đến chuyện giấy khen.
Không có giấy khen, hai vợ chồng anh Nam tặng bé Linh và cô em gái đang học mẫu giáo "giấy like" để động viên các con học tập.
"Khi nghe con hỏi bố mẹ có buồn không, mình bất ngờ vì không phải cháu không được giấy khen, mà bất ngờ vì cháu biết nghĩ cho cảm giác bố mẹ. Cháu cũng bảo trong lớp có mấy bạn học giỏi, viết chữ đẹp lắm. Mình nghĩ đơn giản sẽ làm điều gì đó cho cháu vui vẻ và chúc mừng hai con đã hoàn thành một năm học.
Mình tốn 10 phút để làm giấy khen rồi nhờ vợ in. Tối hôm ấy, nhà mình về quê và tổ chức tiệc nho nhỏ cho các cháu. Mình hơi hụt hẫng vì thấy cháu không thích giấy này lắm, có vẻ cháu vẫn thích giấy khen ở trường hơn. Nhưng cháu cũng vui vẻ, phấn khởi khi nhận được giấy của bố mẹ. Mình có hỏi bé nghĩ gì, cháu trả lời là Con thấy buồn cười", anh kể với Tuổi Trẻ Online.
Anh Nam còn ghi phần nhận xét trong "giấy like" để khích lệ con. Bé Linh thích học toán, về nhà sẽ hoàn thành hết các bài tập ở lớp. Bài nào không làm được mới cần bố mẹ giải đáp. "Mình không muốn cháu đạt bằng được giấy khen vào năm sau. Mình chỉ cần cháu tự giác học tập như năm nay là được", anh nói.
Anh cho rằng, cha mẹ không nên lấy giấy khen làm thước đo đánh giá sức học tập của con cái. Phụ huynh không nên ép con cái phải đạt được giấy khen, giải thưởng. Giáo viên không nên đưa giấy khen ra để làm một công cụ trong phương pháp giáo dục.
Anh cũng rất bất ngờ khi nhận được nhiều sự quan tâm của các ông bố, bà mẹ trên mạng xã hội. Nhiều người còn xin file để tặng con vì "cháu không được nên khóc và buồn ghê lắm". Anh mong rằng, cách làm của mình sẽ là một hiến kế để mọi người giúp các bé đỡ buồn như trường hợp của con anh.
Bài đăng của anh Nam nhận được hàng nghìn like từ cư dân mạng khắp nơi. Nhiều người khen ông bố tâm lý và đồng loạt xin giấy khen "kiểu mẫu" để khích lệ con.