Các chuyên gia nghiên cứu thuộc Đại học Buffalo ở New York (Mỹ) đã tạo ra môi trường 35 độ C trong phòng thí nghiệm. Các đối tượng được cho uống khoảng nửa lít nước giải khát có caffeine và hàm lượng đường cao hoặc nước thường, vào giữa bốn buổi tập (45 phút/buổi).
Họ phát hiện nhiều đối tượng có mức creatinine cao hơn trong máu và tốc độ lọc cầu thận thấp hơn, vốn là những chỉ dấu báo hiệu tổn thương thận. Nhóm uống nước thường lại không hiển thị những thay đổi này.
Trong và sau khi cuộc thử nghiệm với nước ngọt, các đối tượng uống loại nước này đã báo cáo tình trạng mất nước nhẹ. Họ cũng có nồng độ vasopressin (một loại hoóc-môn chống lợi tiểu làm tăng huyết áp) cao hơn. Các nghiên cứu trước đó cũng đã gắn kết nước giải khát với sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh thận.
“Vì thế, việc dùng nước giải khát như một thức uống bù nước khi tập luyện giữa trời nóng có thể không lý tưởng lắm. Quá trình nghiên cứu tiếp theo sẽ cần phải nhận diện tác dụng lâu dài của việc uống nước ngọt khi tập thể dục khi trời nóng và mối liên hệ với rủi ro mắc bệnh thận”, nhóm nghiên cứu cho biết.