Cụ thể, cô Phượng do bị sốt bại liệt lúc nhỏ nên chân phải cô bị tàn tật (có giấy chứng nhận người khuyết tật), lại thêm 2 lần sinh con nên cơ thể khó tổng hợp canxi “nuôi” chân yếu. Vì vậy, cô từng bị ngã gãy ngay chân yếu phải khoan kẹp inox bên trong đến tận 5 năm mới có thể lấy ra (trong khi người bình thường chỉ khoảng 1 năm rưỡi).
Dù khuyết tật nhưng cô lại yêu nghề dạy học, chọn thi vào ngành sư phạm. Sau khi học xong, cô được phân công về giảng dạy tại Trường THPT An Ninh từ năm 2002 cho đến nay. Trong những năm đi dạy, vì không muốn làm phiền người thân đưa đón, cô trang bị cho mình chiếc xe máy có gắn 2 bánh phụ (xe đúng quy định với người khuyết tật) để đi dạy.
Trường THPT An Ninh, nơi phát sinh vụ kiện cáo - Ảnh: Vũ Phong
Cô Phượng kể: “Những năm trước, hiểu hoàn cảnh của tôi, lãnh đạo nhà trường cho tôi được phép chạy xe vào trường chứ không xuống xe ở cổng trường dẫn bộ vào như những người bình thường khác. Đến năm học 2019-2020, trong buổi hội nghị công chức, viên chức, thầy Nguyễn Văn Đại - Phó hiệu trưởng có ý kiến các giáo viên không được chạy xe vào trường, trừ trường hợp cô Diễm Phượng.
Tuy nhiên, cuối cùng Hiệu trưởng Trần Ngọc Yến kết luận không ai được phép chạy xe vào trường, kể cả cô Phượng. Theo cô Yến, nếu chân yếu thì đi từ từ, còn nếu thấy đi không nổi thì nghỉ dạy. Nghe cô Yến nói, tôi rất đau lòng vì cái "tội" khuyết tật của mình”.
Một giáo viên khác chia sẻ: “Trong khi xã hội kêu gọi mọi người chia sẻ, đồng cảm với người khuyết tật để họ vươn lên trong cuộc sống, không tự ti mặc cảm, không là gánh nặng của gia đình và xã hội thì cô Hiệu trưởng Trần Ngọc Yến lại có lời nói vô cảm, kỳ thị với đồng nghiệp bị khuyết tật”.
Cô Phượng cho biết thêm: “Kể từ khi cô Yến tuyên bố như thế, tôi rất buồn nhưng vẫn chấp hành. Hằng ngày tôi phải đến trường sớm hơn, để xe ngoài cổng chính (vì không thể dẫn xe vào trong trường) rồi đi vào trường khá xa, khá vất vả vì chỉ có 1 chân khỏe. Khi đi vào trường hay đi lên lớp tôi đều đi sớm hơn người khác vì phải nghỉ giữa đường mới đến nơi. Điều đáng nói, trong khi tôi luôn nghiêm túc chấp hành thì bản thân cô Yến nhiều lần chạy xe vào trường, chạy thẳng đến trước cửa phòng làm việc của hiệu trưởng”.
Ngoài ra, theo đơn tố cáo của cô Phượng, hiệu trưởng Yến còn có hành vi trù dập, chèn ép và có thái độ thiên vị, phân biệt đối xử, thành kiến đối với cô Phượng; không thông báo minh bạch rõ ràng việc thi thăng hạng cho giáo viên khiến một số người phải tự tìm hiểu, nộp hồ sơ. Đến khi xét thì có nhiều giáo viên không đạt vì “thiếu minh chứng”, nhưng những người này không biết thiếu minh chứng gì bởi không được thông báo, hướng dẫn của trường. “Chúng tôi xem danh sách những người được xét đạt toàn là người của lãnh đạo”, một giáo viên cho biết.
Cô Yến còn bị tố thực hiện sai quy trình, quy định trong công tác kiểm tra toàn diện giáo viên; thực hiện sai chỉ đạo của Sở GD-ĐT Sóc Trăng về việc hướng dẫn các khoản thu... Ngày 22.5, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Mỹ Tú có thông báo kết quả giải quyết tố cáo của cô Phượng và kết luận:
“Cô Yến kết luận: “Tắt máy dẫn xe vào cổng, áp dụng cho tất cả giáo viên, không có trường hợp ngoại lệ, nếu sức khỏe yếu thì tranh thủ đi sớm, đi cổng phụ” là thiếu thận trọng do trong trường có người khuyết tật. Cô Phượng tố cáo cô Yến chạy xe vào đậu trước phòng làm việc là chưa có cơ sở vì xác minh không ai thấy; việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với 7 hồ sơ không đạt thì không ghi nhận xét, đánh giá lý do không đạt… là thực hiện chưa đầy đủ theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Mỹ Tú - Ảnh: Vũ Phong
Việc tổ chức các khoản thu và triển khai thực hiện các khoản đóng góp tự nguyện, nhà trường vận dụng chưa đảm bảo theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT như chưa kịp thời lập kế hoạch vận động, báo cáo về Sở để được xem xét, phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.
Chưa giao cho kế toán để mở sổ sách, theo dõi thu chi, thiết lập các hồ sơ chứng từ đúng quy định mà giao cho Ban Đại diện cha mẹ học sinh quản lý, theo dõi là chưa đúng. Chưa lập biên bản công khai đảm bảo có sự chứng kiến và ký tên của các thành phần theo quy định”.
Thế nhưng trong thông báo này, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Mỹ Tú lại cho rằng: “Việc tố cáo hiệu trưởng thực hiện các khoản thu thực hiện sai hướng dẫn là chưa có cơ sở”. Từ đó, Ủy ban Kiểm tra cho rằng bà Yến có hạn chế, thiếu sót trong thực hiện nhiệm vụ nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật trong đảng, đề nghị Chi bộ Trường THPT An Ninh kiểm điểm rút kinh nghiệm nghiêm khắc (đối với bà Yến) về vai trò trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Cô Phượng cho biết: “Ngày 27.3.2020, tôi gửi đơn tố cáo cô Trần Ngọc Yến đến Sở GD-ĐT Sóc Trăng và Huyện ủy Mỹ Tú. Kết quả Huyện ủy mời tôi làm việc 4 lần và 1 lần thông báo kết quả giải quyết tố cáo. Cầm thông báo, tôi thấy kết quả giải quyết như trên là không thỏa đáng, sự sai phạm của hiệu trưởng có sự bao che, bóp méo sự thật”.
Trao đổi với PV, thầy Nguyễn Văn Đại, Phó hiệu trưởng Trường THPT An Ninh cho biết: “Chuyện không có gì, đã giải quyết ổn thỏa, do hiểu lầm thôi. Có gì cứ liên hệ văn phòng”.