Đi cùng Phương ngày 10/2 còn có một bác sĩ phó khoa cấp cứu và một điều dưỡng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
"Lúc đầu khi nhận được tin sẽ tham gia đoàn công tác, tôi khá bất ngờ và lo lắng", bác sĩ Phương chia sẻ.
Hà Phương chưa từng tham gia đoàn công tác nào mang tính chất quốc gia như vậy. Cô lo vì không biết trở về sẽ phải cách ly như thế nào. Đặc biệt, trách nhiệm chuyến đi khá lớn khi trong đoàn có một phụ nữ mang thai 8 tháng và nhiệm vụ của bác sĩ Phương là đảm bảo an toàn cho bà bầu cùng thai nhi.
"Lúc biết được lịch trình, công tác sàng lọc, sắp xếp công dân, quá trình vận chuyển, phương tiện bảo hộ... tôi thấy yên tâm hơn rất nhiều. Mọi thứ được chuẩn bị rất chu đáo", nữ bác sĩ nói.
Bác sĩ Phương bắt tay vào chuẩn bị các kịch bản có thể xảy ra như thai phụ chuyển dạ sinh trên máy bay, tai biến tiền sản giật, nhau tiền đạo ra máu, đẻ non... và phương án ứng phó. Họp bàn với các bác sĩ bệnh viện phụ sản, Hà Phương lên danh sách các đồ dùng, vật tư y tế, thuốc cần thiết để xử lý nếu một trong các tình huống trên xảy ra.
Trước ngày đi, bác sĩ Phương cũng đã liên lạc với thai phụ qua điện thoại và nhận được tất cả kết quả siêu âm, khám thai, xét nghiệm qua mail.
"Một tháng nay do dịch viêm phổi ở Vũ Hán nên cô ấy không đi khám thai được, tôi cũng nắm được rõ hơn tình trạng của cô ấy như tiền sử khỏe mạnh mang thai con so, quá trình khám thai hoàn toàn bình thường", bác sĩ Phương nói.
Mọi việc chuẩn bị ở viện đã xong xuôi, bác sĩ Phương trở về nhà thông báo với gia đình về chuyến công tác. Người nhà đều bất ngờ và lo lắng song động viên cô cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Cả gia đình cùng chuẩn bị đồ cho cô mang theo cho những ngày cách ly sau khi trở về. Em gái cô là bác sĩ nhi ngày ngày gửi cho chị các thông tin về cách phòng lây nhiễm, các nghiên cứu về nCoV.
"Bố là người duy nhất không biết tôi tham gia chuyến đi này", Hà Phương nói. "Tôi không muốn bố biết vì sợ ông lo lắng, không cho tôi tham gia".
Tối 9/2, Hà Phương và 2 bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cùng 15 người trong phi hành đoàn lên chuyến bay HVN68 của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) chở theo hàng hỗ trợ, trang thiết bị y tế đến thành phố Vũ Hán. Mỗi người mặc quần áo bảo hộ hai lớp, khẩu trang, găng tay để ngăn ngừa nhiễm virus corona.
Máy bay hạ cánh xuống sân bay Vũ Hán lúc 1h ngày 10/2 (giờ địa phương). Khi đó, 30 công dân Việt Nam đã làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay Vũ Hán, mặc quần áo bảo hộ. Tất cả hành khách và phi hành đoàn được kiểm tra sức khỏe trước khi lên máy bay.
30 công dân Việt Nam là du học sinh, khách du lịch, doanh nhân... đang sinh sống và làm việc ở Vũ Hán.
Bác sĩ Hà Phương kiểm tra cho thai phụ, nghe tim thai, đo huyết áp. Mọi thứ đều ổn, cô cùng mọi người mới lên chuyến bay trở về.
Trước khi lên đường, đoàn công tác đã thống nhất sắp xếp chỗ ngồi cho 30 công dân trên máy bay, nhất là đối với thai phụ. Đoàn công tác cũng bố trí cả chỗ chăm sóc cho thai phụ nếu chị có dấu hiệu chuyển dạ hay tình trạng sức khỏe có vấn đề... May mắn, chuyến bay thuận lợi.
Máy bay hạ cánh tại sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) lúc 5h sáng 10/2. Sau khi trả khách, máy bay được khử trùng toàn bộ, dừng khai thác trong 24 giờ để phòng nguy cơ lây nhiễm nCoV. Toàn bộ phi hành đoàn và bác sĩ trên chuyến bay phải cách ly 14 ngày theo quy định.
"Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã chuẩn bị cho tôi một phòng cách ly với đầy đủ tiện nghi. Cơm bệnh viện cũng rất ngon", bác sĩ Hà Phương chia sẻ với VnExpress.net sau ngày thứ nhất cách ly.
14 ngày tới, Hà Phương có lo lắng, song với cô đến Vũ Hán đón người về là chuyến đi ý nghĩa nhất cuộc đời.
* Tên bác sĩ được thay đổi.