Chia sẻ trong Group Yêu Bếp, chị Phạm Thúy Quỳnh kể lại câu chuyện “ám ảnh kinh hoàng” khi làm cha mẹ. Cụ thể, khi chị mới sinh bé được 13 ngày, con khỏe bú mẹ ngon lành, chị đắc chí cứ thế khắc nuôi khắc lớn. Nhưng sóng gió bỗng nhiên ập xuống gia đình khi bé con chỉ mới 13 ngày tuổi đã lên sốt nặng, làm đủ mọi cách vẫn không thuyên giảm. Gọi điện cho bác sĩ đặt lịch khám, mới hỏi ba câu ông đã bảo: “Đi viện ngay còn kịp”.
Vào Bệnh viện Nhi trung ương, bé được đưa vào thẳng Khoa Cấp cứu chống độc. Bác sĩ chẩn đoán con bị nhiễm virus RSV, là một loại virus dường như vô hại với người lớn nhưng với trẻ con, nhất là trẻ sơ sinh thì vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Nguyên nhân thường là lây từ người lớn, anh chị em trong nhà bị ho, sổ mũi... gần đứa trẻ hoặc hôn hít vào miệng bé.
Chị Quỳnh kể lại hành trình chăm con trong bệnh viện đầy gian nan, ở đây mỗi người mẹ đều là “nữ thần chiến binh”, làm tất cả vì con:
Con nằm phòng cách ly, hoàn toàn không gặp không thăm nom. Mỗi ngày vắt sữa tám lần gửi vào. Nghĩ thương con ứa nước mắt. Đành ăn tống ăn tháo chỉ cầu có sữa vắt gửi vào cho con. Bố mẹ khăn gói thuê hai cái giường trong nhà khách bệnh viện. Cả ngày chỉ có ăn và vắt sữa. Đến 11h trưa hàng ngày chạy lên hội trường nghe ngóng tin tức của con. Mỗi đứa trẻ con được nhận xét tình hình tầm hai phút. Từng ông bố bà mẹ mắt nhìn vào bác sĩ đọc tên con như nuốt được bác sĩ vào bụng. Mỗi người cầm một cái điện thoại, kẻ ghi âm, người quay lại lúc bác sĩ nhận xét đến con mình. Đoạn video hay ghi âm ấy cả ngày bố mẹ xem đi xem lại đến thuộc lòng. Như vậy thì cảm thấy mình gần con thêm một chút. Nghe tin của con xong người khóc người cười. Mình vẫn nhớ như in hàng ngày nghe về con: Môi hồng, tim đều, tự thở, con ăn 80 ml sữa. Vậy là mừng rơi nước mắt.
Nằm trong nhà khách mỗi phòng hai ba chục ông bố bà mẹ. Mẹ nào cũng kì cạch cả ngày hết rửa máy hút sữa lại vạch áo nặn bóp. Áo tốc tận cổ chẳng thấy ngại ngần. Mỗi bà một góc. Bà dùng máy, bác nặn tay hì hục từ sáng sớm đến đêm khuya. Cữ này chưa xong cữ khác đã đến. Thật kinh hoàng. Ăn dồn dập để có sữa thật nhanh. Nước với sữa uống liên tục mong đủ sữa. Nhưng bao đêm không ngủ với những đĩa cơm xuất nguội ngắt và những lo lắng liên miên làm bao mẹ mất sữa. Vậy là sữa vắt không ra mà nước mắt chảy trước rồi.
Mẹ nào nhà gần thì ăn cơm cháo nhà gửi. Mẹ nào ở xa thôi đành cơm đường cháo chợ qua bữa để có sữa cho con. Nằm trong đây mẹ nào có người thân thì đỡ. Mẹ nào nhà neo người bố ở nhà chăm đứa lớn và cày tiền gửi vào thì một mình làm tất, vất vả cực kỳ. Quan trọng là tinh thần suy sụp. Nhà có kinh tế thì còn trụ được. Nhà khó khăn thật sự quá khổ.
Thời gian ấy không được gặp con nhưng không ai dám rời nhà khách một bước vì sợ mình đi là có tin về con. Mà ai nhận được loa gọi gặp con là khóc từ lúc đi đến lúc về. Vì như thế là con chuyển nặng. Là gặp để bác sĩ lên tinh thần.
Qua bảy ngày thì con được ghép mẹ. Mỗi buổi chiều lại có mấy người được gọi ghép mẹ. Ai cũng mong đó là mình. Nghe tiếng è è của loa giữa trưa là ai nấy giật thót không dám thở. Vì nghe tên con một là chuyển nặng hai là được ghép mẹ. Mẹ nào được ghép là cuống cuồng thu xếp 1 khăn bông và 1 bộ quần áo, bỉm mang cho con. Bác sỹ tắm xong con là mẹ được gặp con.
Đến lúc bác sĩ bế con ra, người xanh xao, miệng tái nhợt. Lủng lẳng dây xông dán trên mép cắm sâu vào miệng. Trán với má toàn những vết băng dính mới bóc đỏ ửng. Người con bé lẩy bẩy, sợ phát khóc. Nhưng cuộc chiến giờ mới bắt đầu. Chiến đấu với bệnh tật và chiến đấu với các mẹ khác để tranh giường.
Phòng ít mà bệnh nhân thì nhiều nên khi được ghép mẹ dù nghèo đến mấy cũng cố đăng ký giường dịch vụ. Giá khoảng 1 triệu/1 ngày, mỗi phòng 6 giường. Phòng ít hơn còn đắt hơn nữa. Nằm phòng bảo hiểm thì năm mẹ hai giường.
Khi con nằm trong giường mẹ muốn đi vệ sinh cũng không kịp, vì cứ đặt đứa con thiu thiu ngủ xuống giường, vừa vào phòng vệ sinh là lại có một nhóc nào đó khóc ré lên, thế là con lại thức.
Nhà tắm cả phòng có một cái, người đông, đi đứng lách nhau đi. Thế nên cảnh mẹ nào tắm cứ tắm, bên cạnh vòi mẹ nào đi vệ sinh cứ vệ sinh, mẹ nào giặt cứ giặt. Ai cũng mệt và hình như ngoài con ra chẳng ai nghĩ được gì nữa. Ai cũng lẳng lặng âm thầm.
Đêm trong viện đúng là dài hơn bình thường quá nhiều. Tiếng ọc ọc của máy thở, tiếng dỗ con cả đêm, tiếng khóc rên rỉ của bọn trẻ vì sốt, vì mệt. Có đứa trẻ chạy máy thở cả đêm. Mỗi lần ọc lên là cả sữa, cả thuốc, cả dịch, cả máu loang lổ trong ống xông nhìn mà xót ruột thay cho người mẹ. Mẹ này nhìn mẹ kia đề phòng vì sợ lây chéo. Trong phòng đứa này viêm phổi đứa kia không viêm. Nguy cơ lây chéo ngay cạnh.
Mới sinh nhưng chẳng ai nhắc gì đến kiêng khem ở cữ nữa vì đấy là khái niệm quá xa xỉ. Thật chỉ mơ được tắm một mình hai phút còn chẳng được nữa là có người bế con cho tắm. Mơ ăn bát cơm nóng có khói bốc lên cho có sữa mà không mẹ nào có cái diễm phúc ấy.
Mỗi ngày hai lần người nhà đưa cơm qua cửa sổ sát hành lang. Ai cũng cố dán mắt nhìn con thêm vài giây vài phút. Mẹ nào cũng cố nâng cố nâng con lên cao cho bố nhìn mặt. Vì từ ngày vào ghép mẹ chỉ có mẹ được ở cạnh, ngoài ra người nhà không được vào thăm chứ đừng nói ôm ấp bế ẵm. Ngày ngày, nhà thì bố, nhà thì bà nằm ngồi chờ đợi giờ đưa cơm để được nhìn thấy con thấy cháu. Kim đồng hồ đúng 10 rưỡi là ùa vào hành lang. Người nhìn qua khe kính. Kẻ nhìn qua lỗ dán giấy. Người dán mắt vào kính cửa. Vậy mà cũng chỉ được vài phút là phải ra hết. Lại một tay ôm con một tay xúc cơm. Nghĩ cực thật".
Qua bài viết của chị Thúy Quỳnh có thể thấy, nuôi con là một hành trình đầy gian nan mà chỉ có những người đã làm cha làm mẹ mới hiểu hết được. Nhất là những lúc con đau con ốm thì nỗi vất vả ấy như gấp trăm lần.
Trẻ sơ sinh là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh vì hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện. Vì vậy, để tránh khả năng nhiễm bệnh cho trẻ, người nhà cần chăm sóc và giữ vệ sinh kỹ cho con. Theo thông tin từ bệnh viện 108, các nhà khoa học cho biết, có một số loại virus rất dễ lây lan qua đường miệng, thậm chí chỉ qua một nụ hôn. Nếu những virus này xâm nhập vào cơ thể trẻ sơ sinh sẽ dẫn tới những vấn đề lớn về sức khỏe.
Các loại vi khuẩn và virus có thể lây cho trẻ qua việc hôn như:
+ Bệnh lý lây qua đường hô hấp như vi khuẩn lao, não mô cầu, ... hoặc virus như cúm, sởi, virus hợp bào hô hấp (RSV), quai bị...
+ Các bệnh lây truyền qua tiếp xúc như virus Herpes (SHV-1)
+ Các bệnh lây truyền qua nước bọt: Bệnh tay chân miệng, enterovirus, virus gây bại liệt, tiêu chảy, viêm gan A…
Như vậy có thể thấy, để đề phòng bệnh cho trẻ sơ sinh người lớn cần hạn chế hôn trẻ, chúng ta có thể thể hiện tình yêu bằng nhiều cách khác nhau, không phải nhất thiết chỉ hôn môi bởi mỗi chúng ta không ai biết miệng của chúng ta có chứa những vi khuẩn, virus gì có hại cho trẻ nhỏ.
Nguồn thông tin và hình ảnh: Phạm Thúy Quỳnh